Những điểm sáng hy vọng

“Bão Covid-2019” đã thổi bay tăng trưởng của hầu hết các quốc gia trên thế giới và đẩy kinh tế toàn cầu vào “đêm dài suy thoái”. Tuy nhiên, những tháng gần đây, đã xuất hiện những điểm sáng hy vọng từ các nền kinh tế lớn như Đức, Anh, Mỹ...

Biếm họa của CAI MENG
Biếm họa của CAI MENG

Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn nghiêm trọng, một số nền kinh tế châu Âu đã xuất hiện các tín hiệu tích cực. Theo khảo sát do Viện Kinh tế ZEW của Đức tiến hành, chỉ số niềm tin của các nhà đầu tư tại Đức trong tháng 8-2020 đã tăng lên 71,5 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 1-2001. Niềm tin của các nhà đầu tư tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng tăng 4,4 điểm, lên 64 điểm. 

Trước đó, sản lượng công nghiệp và hoạt động xuất khẩu của Đức đã tăng trong tháng 6-2020, do ngành công nghiệp ô-tô chủ chốt của nước này hồi phục khả quan. Theo Cơ quan Thống kê Đức, sản lượng công nghiệp của Đức trong tháng 6-2020 tăng 8,9% so tháng trước. Trong khi đó, xuất khẩu của Đức tăng 14,9%, sau khi tăng 9% trong tháng 5-2020. Thặng dư thương mại của Đức trong tháng 6 cũng tăng 7%  so tháng trước, lên 15,6 tỷ euro. 

Tại Anh, dù tín hiệu phục hồi kinh tế chưa mạnh mẽ bằng Đức, nhưng chi tiêu tiêu dùng đã khả quan hơn. Theo số liệu ngày 11-8 của tổ chức Barclaycard và Liên minh Bán lẻ Vương quốc Anh (BRC), chi tiêu tiêu dùng của người dân “xứ sở sương mù” tiến gần tới mức độ bình thường như trước khi xảy ra đại dịch, giữa lúc các quán rượu, nhà hàng, hiệu cắt tóc và thẩm mỹ viện mở cửa trở lại. Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh đang được kiềm chế nhờ chương trình bảo vệ việc làm của Chính phủ.

Còn ở Mỹ, “tâm dịch Covid-19” của thế giới, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sâu trong những tháng gần đây, nhưng thị trường việc làm vẫn cho thấy những điểm sáng đáng chú ý. Theo báo cáo vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, tỷ lệ cơ hội việc làm ở Mỹ trong tháng 6 đã tăng lên 4,1% so mức 3,9% hồi tháng 5. Cụ thể, thị trường lao động trong tháng 6 có thêm khoảng 518.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, số việc làm mới của Mỹ vẫn thấp trong tháng 7 và giới phân tích nhận định thị trường lao động tại “xứ cờ hoa” vài năm nữa mới có thể hồi phục sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh này.

Tại một số nền kinh tế châu Á cũng đã xuất hiện những khoảng sáng trong bức tranh kinh tế u ám của khu vực. Nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc đang phục hồi tốt hơn dự báo. Theo số liệu về tăng trưởng GDP quý II-2020 mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố đầu tháng 8, Trung Quốc hiện đứng đầu danh sách 14 nền kinh tế lớn về tăng trưởng, với GDP quý II - 2020 ghi nhận mức tăng trưởng 11,5% so quý trước. 

Trong khi đó, một số nền kinh tế Đông - Nam Á như Indonesia, Malaysia vẫn đang kiên cường chống chọi với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra và duy trì các điểm sáng kinh tế tích cực. Giới chức Indonesia nhận định, kinh tế nước này chưa bước vào suy thoái dù GDP trong quý II suy giảm 5,37% so cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Indonesia vẫn có cơ hội thoát khỏi một cuộc suy thoái nếu kinh tế trong nước tăng trưởng dương trong quý tiếp theo. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch dự đoán, tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ tăng lên 6,6% vào năm 2021.

Trong khi đó, tại Malaysia, các chỉ số kinh tế do Cục Thống kê nước này công bố cho thấy những tín hiệu phục hồi theo từng giai đoạn. Thị trường lao động tốt hơn trong tháng 6 khi tỷ lệ thất nghiệp là 4,9%, giảm 0,4% so tháng trước. Số lao động không có việc làm tại nước này giảm từ 826.000 người trong tháng 5 xuống còn 773.000 người trong tháng 6 vừa qua.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn lan rộng toàn cầu đe dọa nhấn chìm các nền kinh tế như hiện nay, những tín hiệu kinh tế tích cực nêu trên chưa đủ để đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên, những “ánh sáng cuối đường hầm” này vẫn vô cùng quan trọng bởi nó thắp lên hy vọng về sự phục hồi của kinh tế thế giới trong tương lai.