Những cơn sóng mới

Thế giới bước vào năm 2020, với kỳ vọng những xáo trộn khôn lường trong 365 ngày qua sẽ không lặp lại. Cũng như bức tranh an ninh, chính trị thế giới năm 2019 với không ít gam trầm, kinh tế toàn cầu cũng không nhiều điểm sáng. Một số thỏa thuận thương mại tạm đẩy lui những “cơn gió ngược”, song những cơn sóng mới lại nổi lên, xuất phát từ kinh tế sa sút và bất bình đẳng xã hội gia tăng.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đến gần vạch đích, sau khi 10 nước ASEAN và năm đối tác nhất trí ký RCEP vào năm 2020. Đây là kết quả nỗ lực bền bỉ của các nước ASEAN nhằm thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương. Dù chưa trọn vẹn vì thiếu sự tham gia của Ấn Độ, RCEP vẫn gửi đi thông điệp mạnh mẽ chống lại “cơn gió ngược” từ chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng phản đối toàn cầu hóa. Hiệp định này cũng là minh chứng rõ nét cho vai trò trung tâm và khả năng của ASEAN thúc đẩy gắn kết các nền kinh tế khu vực.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã giúp hãm phanh cuộc “thương chiến”, chính xác hơn là cuộc “đọ sức chiến lược” cam go giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù chưa được ký chính thức, bản thỏa thuận này tạm khép lại chu trình tăng thuế - trả đũa suốt hai năm qua, đưa hai bên bước vào “thời kỳ hòa hoãn” và giúp thế giới thở phào khi nút thắt đối đầu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới được nới lỏng.

Cùng việc đạt thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc, Mỹ cũng hoàn tất ký văn bản cuối cùng về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cùng hai đối tác Mexico và Canada. Vượt nhiều rào cản và bất đồng, Hiệp định USMCA, còn được xem là “phiên bản NAFTA 2.0”, đã đến được các ngưỡng cửa nghị viện ba nước thành viên. Đạt thỏa thuận với các đối tác thương mại quan trọng nêu trên, song Mỹ tiếp tục mở mặt trận mới trong “cuộc chiến áp thuế” với một loạt đối tác, như Brazil, Argentina và nhất là EU sau phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có lợi cho Wasshington trong vụ kiện liên quan các hãng sản xuất máy bay của Mỹ và châu Âu.

Những cơn sóng mới ảnh 1

Biếm họa của AREND VAN DAM

Trong khi đó, thỏa thuận Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, lần đầu vượt “cửa ải” Hạ viện Anh, nhờ chiến thắng vang dội của đảng Bảo thủ và Thủ tướng Boris Johnson trong cuộc bầu cử trước hạn. Lộ trình nước Anh rời EU chắc chắn hơn, song tiến trình thương lượng về một thỏa thuận thương mại song phương thời “hậu Brexit” sẽ vô cùng cam go, khi hai bên chỉ có 11 tháng để đàm phán.

Cánh cửa giao thương tại “lục địa đen” rộng mở hơn, sau khi Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) có hiệu lực, đưa châu lục trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới về số thành viên. AfCFTA hứa hẹn làm tăng giá trị trao đổi thương mại nội khối thêm 60% trong vài năm tới, giúp bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo thêm việc làm và thu hút đầu tư vào thị trường 1,2 tỷ dân của châu Phi.

Vốn mong manh do hệ thống thương mại đa phương suy yếu, do làn sóng bảo hộ thương mại và cuộc đấu thuế quan, kinh tế thế giới năm 2019 tiếp tục trầm lắng và đối mặt tương lai bấp bênh. Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẽ thêm những “vệt tối” lên bức tranh kinh tế thế giới, những “biểu thuế đen” phần nào làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, suy giảm lòng tin của giới đầu tư và doanh nghiệp. Tương tự, ánh sáng Brexit đã le lói, song biến động chính trị liên quan cũng đã phủ bóng lên nền kinh tế Anh và cả thế giới.

Khó khăn kinh tế và bất bình đẳng thu nhập kéo theo bất ổn xã hội là những nguyên nhân biến năm 2019 trở thành “năm giận dữ” mới. Song, không phải là “mùa xuân Arab” ở Trung Đông - Bắc Phi, hay làn sóng biểu tình của “thế hệ mất mát” ở châu Âu. Lần này, “cơn sóng phẫn nộ” bùng lên ở điểm nóng mới, là khu vực Nam Mỹ.

Không chỉ là những thách thức cũ xuất phát từ sự chống đối trong nước và can thiệp từ bên ngoài, khó khăn mới nổi lên là làn sóng phản kháng trước những bất công kinh tế, một phần do mô hình phát triển. Từ những nước giàu như Chile hay Argentina, cho tới những nước nhỏ, nghèo như Haiti, vấn đề chung là khó khăn kinh tế, bất bình đẳng xã hội và mất lòng tin chính trị. Bởi thế, những câu chuyện nhỏ, như tăng giá vé tàu điện ngầm ở Chile hay giảm trợ cấp xăng dầu ở Ecuador, đều có thể thổi bùng cơn giận của người dân, khi khoảng cách giàu - nghèo chẳng những không được thu hẹp mà còn bị nới rộng sau nhiều năm theo đuổi mô hình kinh tế tự do mới…