Nhu cầu bức thiết

Nhóm Ottawa vừa họp thảo luận về tiến độ cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xác định những ưu tiên chính hướng tới Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 theo kế hoạch sẽ diễn ra ngày 29-11 ở Geneva (Thụy Sĩ).  Việc cải cách WTO là nhu cầu bức thiết của các nước thành viên sau 26 năm tổ chức này ra đời, nhằm hình thành một hệ thống thương mại đa phương công bằng, cởi mở dựa trên những quy tắc đã được các quốc gia thống nhất.

Nguồn: ECONOMIC TIMES
Nguồn: ECONOMIC TIMES

Cuộc họp do bà Mary Ng, Bộ trưởng phụ trách Doanh nghiệp nhỏ, Xúc tiến xuất khẩu và Thương mại quốc tế của Canada chủ trì. Đáng chú ý, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss cũng tham gia cuộc họp, đánh dấu lần đầu một Bộ trưởng của Anh họp với Nhóm Ottawa, gồm Canada, Australia, Brazil, Chile, Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản, Kenya, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc và Thụy Sĩ. 

Các bộ trưởng tham dự cuộc họp kêu gọi thiết lập một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, với nòng cốt là WTO, nhằm bảo đảm sự phục hồi kinh tế toàn cầu bền vững và bao trùm. Ba trụ cột của cải cách WTO bao gồm đàm phán, giải quyết tranh chấp, minh bạch và giám sát, được kỳ vọng sẽ giúp nhanh chóng giải quyết tình trạng bế tắc tại Cơ quan phúc thẩm, kết thúc đàm phán về trợ cấp thủy sản… Các bộ trưởng cũng nhất trí thúc đẩy các nỗ lực liên quan lĩnh vực y tế, nông nghiệp, môi trường, thương mại, vấn đề giới... 

Thông qua vai trò lãnh đạo Nhóm Ottawa, Canada cam kết đưa WTO trở thành một hệ thống toàn diện, hiện đại, linh hoạt và minh bạch hơn. Bộ trưởng Mary Ng khuyến khích các bên đề ra những bước đi cụ thể hơn nữa trong khuôn khổ Sáng kiến Thương mại y tế nhằm tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tạo thuận lợi trong trao đổi thương mại các loại vật tư y tế, dược phẩm thiết yếu.

Các bên cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc các thành viên lớn hơn trong WTO, như Mỹ, tham gia Nhóm Ottawa. Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và tân Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã có cuộc điện đàm thống nhất tiến hành cải tổ WTO và phối hợp chặt chẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Hai nhà lãnh đạo nữ khẳng định sẽ hợp tác để sớm giải quyết các hậu quả về sức khỏe và kinh tế do dịch Covid-19, cũng như xử lý vấn đề biến đổi khí hậu và dành ưu tiên phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu. Về vấn đề kinh tế, hai nhà lãnh đạo khẳng định đòn bẩy thương mại có vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy công bằng và tăng trưởng kinh tế, cũng như cải thiện cuộc sống, quyền lao động, quyền con người. 

Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã chia sẻ những ưu tiên của bà đối với tiến trình cải cách WTO và hợp tác với Nhóm Ottawa. Bà Okonjo-Iweala mong muốn sớm kết thúc đàm phán trợ cấp thủy sản, cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp và thương mại nông sản, giải quyết vấn đề trợ cấp công nghiệp, thương mại điện tử, giảm bớt bất đồng về Quy chế ưu đãi đặc biệt (SDT), xây dựng một chương trình hành động nhằm khôi phục giải quyết tranh chấp hai tầng nấc để thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 sắp tới.

Các thành viên chủ chốt trong WTO, như New Zealand, khẳng định WTO đóng một vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ sức mạnh và sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới ngày càng thay đổi, khả năng cập nhật, điều chỉnh quy định của WTO trước những thay đổi về điều kiện thương mại là cách duy nhất để giữ cho tổ chức này phù hợp nền kinh tế thế giới và thúc đẩy quan hệ thương mại. 

Sau 26 năm ra đời và phát triển, WTO đã thực hiện được sứ mệnh đưa các quốc gia trên thế giới xích lại gần nhau trên tinh thần hợp tác quốc tế, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, những bất cập trong các cơ chế giải quyết tranh chấp và cơ chế giám sát các hành vi thương mại của WTO đòi hỏi tổ chức này phải sớm cải tổ, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững thông qua thúc đẩy giao thương hàng hóa và dịch vụ thân thiện môi trường, giảm bớt bất bình đẳng giữa các quốc gia.