Nhiệm vụ khôi phục lòng tin

Trước tình trạng rối ren của đất nước do làn sóng biểu tình phản đối chính phủ kéo dài nhiều tuần, Tổng thống Iraq Barham Salih mới đây chỉ định ông Mohammed Tawfiq Allawi làm tân Thủ tướng của nước này, với hy vọng ông Allawi sẽ là chất keo gắn kết những rạn nứt hiện nay. Tuy nhiên, chặng đường sắp tới của tân Thủ tướng Iraq là không hề đơn giản, bởi ông sẽ phải đối mặt những thách thức lớn.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Tổng thống Iraq Salih chỉ định ông Allawi làm Thủ tướng sau khi cựu Thủ tướng Abdul Mahdi đã phải từ chức hồi tháng 11 năm ngoái do làn sóng biểu tình phản đối chính phủ tại Iraq bùng phát, nhằm yêu cầu loại bỏ các chính trị gia tham nhũng và không đủ năng lực lãnh đạo đất nước khiến nền kinh tế ngày càng trì trệ và tình trạng thất nghiệp tăng cao.

Ông Allawi sẽ có nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới trong vòng một tháng, song sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn các vị trí vào chính phủ do sự ganh đua của các đảng phái, vốn đã làm kéo dài tình trạng bế tắc chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Thủ tướng đắc cử Allawi cho biết ông có thể từ chức nếu các phe phái chính trị tại Iraq cố tình áp đặt các ứng viên cho các vị trí trong chính phủ mới.

Kể từ tháng 10 năm ngoái, Iraq chứng kiến một làn sóng biểu tình chống chính phủ của cựu Thủ tướng A.Mahdi, bắt nguồn từ sự bất mãn của người dân đối với chính phủ khi hoàn cảnh sống của họ ngày một khó khăn. Đây là đợt biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ năm 2003 khi chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein bị Mỹ lật đổ. Làn sóng tuần hành thu hút sự tham gia của hàng triệu người trên toàn quốc, đặc biệt ở Thủ đô Baghdad và thành phố Basrah, thành phố cảng lớn thứ hai của Iraq.

Trước làn sóng biểu tình ngày một dâng cao, chính quyền cựu Thủ tướng A.Mahdi đã phải huy động cảnh sát và quân đội để bảo đảm trật tự, song đã xảy ra xô xát với người biểu tình dẫn đến bạo động lan tràn. Đến nay, các cuộc biểu tình ngày càng thu hút nhiều tầng lớp tham gia và có quy mô lớn hơn. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.

Giới quan sát cho rằng, nguyên nhân chính của làn sóng biểu tình là sự bất mãn cao độ của người dân đối với sự điều hành yếu kém của chính phủ. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh gây thiệt hại lớn và phải gồng mình với cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), nền kinh tế Iraq đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề. Tình trạng chia rẽ tôn giáo ngày càng sâu sắc, gây phân hóa nghiêm trọng giữa các phe phái trên chính trường, khiến người dân Iraq là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Không ít người vẫn sống trong cảnh nghèo đói và chỉ được tiếp cận hạn chế với điện, nước sạch, y tế và giáo dục. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng tràn lan ở Iraq cũng là nguyên nhân làm bùng phát phong trào biểu tình. Iraq đang tiến hành điều tra hơn 5.000 vụ tham nhũng, trong đó phần lớn là các quan chức cấp cao trong chính phủ. Tổ chức Minh bạch quốc tế (ITO) xếp Iraq là một trong 12 nước có chỉ số tham nhũng tồi tệ nhất thế giới.

Từ cuối năm 2019, những người biểu tình xuống đường không chỉ đòi hỏi cải thiện đời sống, các dịch vụ công, tạo việc làm và chống tham nhũng, mà còn đưa ra những yêu cầu về chính trị, như yêu cầu giới lãnh đạo từ chức, đòi Mỹ rút quân khỏi Iraq và chấm dứt ảnh hưởng của Iran trong đời sống chính trị của Iraq. Quốc gia Trung Đông này tiếp tục chìm trong bất ổn sau vụ tướng Iran Qassem Soleimani bị sát hại trong một cuộc không kích của Mỹ ở Thủ đô Baghdad hôm 3-1.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ sắp tới của ông Allawi được nhận định là không hề dễ dàng. Ông Allawi được cho là sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn các vị trí vào chính phủ mới do sự chia rẽ giữa các đảng phái. Ngoài ra, tân Thủ tướng Iraq còn phải đối mặt thách thức về tái thiết đất nước sau cuộc chiến chống IS, cũng như giải quyết các vấn đề cấp thiết về kinh tế - xã hội nhằm xoa dịu sự bức xúc của người dân.

Dù còn nhiều khó khăn ở phía trước, song Tân Thủ tướng Iraq Allawi đã tỏ rõ quyết tâm đặt mục tiêu đối thoại với người dân lên hàng đầu. Bởi, chỉ khi nào khôi phục được lòng tin của nhân dân, thì lúc đó nhiệm vụ lãnh đạo đất nước của ông Allawi mới trở nên suôn sẻ.