Nhiệm vụ hàn gắn

Vượt qua sự cố chưa có tiền lệ là vụ bạo loạn nhằm vào phiên họp Quốc hội xác nhận Tổng thống đắc cử, cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi của nước Mỹ cuối cùng cũng khép lại. Với người sắp mãn nhiệm, cam kết chuyển giao quyền lực đúng tiến trình thay lời công nhận chiến thắng. Với vị Tổng thống thứ 46, sau thắng lợi là nhiệm vụ quan trọng nhất, cũng khó khăn nhất đó là hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc ở “xứ cờ hoa”.

Biếm họa của STEPHEN
Biếm họa của STEPHEN

Tuyên bố của Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence về kết quả Quốc hội xác nhận chiến thắng của ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ Joe Biden đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến pháp lý và tranh cãi kéo dài, khép lại cuộc bầu cử Tổng thống đầy kịch tính của nước Mỹ. Song trước đó, phiên bỏ phiếu hôm 6-1 trên Đồi Capitol đã chìm trong cuộc biểu tình bạo loạn “vô tiền khoáng hậu”, với sự tham gia của cả chục nghìn người. Tiến trình kiểm đếm phiếu bầu của Cử tri đoàn bị gián đoạn, các nghị sĩ phải sơ tán. Bốn người chết, trong đó có một cảnh sát; hàng chục người bị bắt giữ. Thời khắc đáng lẽ dư luận hân hoan chào đón nhà lãnh đạo mới của đất nước đã bị phá hỏng. Thậm chí, nhiều nghị sĩ đề xuất luận tội và phế truất Tổng thống  Donald Trump trước khi mãn nhiệm, vì để xảy ra tình trạng bạo loạn chưa có tiền lệ vừa qua.

Vốn ngay từ đầu không chấp thuận kết quả bỏ phiếu, Tổng thống Donald Trump không dễ công nhận và chúc mừng về thắng lợi của đối thủ. Song, ông Trump cam kết chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Joe Biden một cách suôn sẻ, có trật tự và không đứt quãng. Tổng thống sắp mãn nhiệm cũng kêu gọi nước Mỹ “hàn gắn và hòa giải”.

Chiến thắng không thể đảo ngược của Tổng thống đắc cử Joe Biden được xác nhận trùng thời điểm kết quả cuộc bầu cử Thượng viện bổ sung tại bang Georgia được công bố. Hai ghế còn trống đã thuộc về đảng Dân chủ, kết thúc cuộc chạy đua vào Quốc hội Mỹ khóa 117, qua đó chính thức khép lại một kỳ bầu cử nhiều điều bất thường ở “xứ cờ hoa”, với kết quả đem đến lợi thế gần như tuyệt đối cho phe Dân chủ. Cùng việc đại diện đảng tiếp quản “ghế nóng” tại Nhà trắng, đảng Dân chủ cũng nắm quyền kiểm soát Quốc hội lưỡng viện, khi giành 222 ghế Hạ viện và 50 ghế Thượng viện.

Nếu bỏ qua sự cố bạo loạn chưa từng có và những lình xình từ phía Tổng thống sắp mãn nhiệm, có thể thấy đây là một kỳ bầu cử thành công với đảng Dân chủ. Kiểm soát cả Nhà trắng và hai viện Quốc hội, phe Dân chủ ở vị thế thuận lợi trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, chiến thắng này chưa thể coi là trọn vẹn, khi thế kiểm soát của đảng Dân chủ vẫn mong manh. Trong cuộc đua tại Hạ viện, để mất 13 ghế vào tay phe Cộng hòa, đảng Dân chủ sở hữu số ghế chỉ nhỉnh hơn một ghế so con số 221 ghế của phe đối thủ. Tại Thượng viện, cả hai đảng cùng giữ số ghế ngang nhau, lợi thế của phe Dân chủ phụ thuộc lá phiếu của Phó Tổng thống đắc cử, người theo Hiến pháp sẽ trở thành Chủ tịch Thượng viện.

Nếu cuộc bầu cử Tổng thống được cho là đã “chia đôi” nước Mỹ, thì kết quả cuộc bầu cử Quốc hội củng cố thêm nhận định về sự chia rẽ sâu sắc trên chính trường và cả trong xã hội Mỹ. Chiến thắng khó khăn của phe Dân chủ đã báo trước nhiều thách thức lớn với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Đảng Dân chủ giành lợi thế kiểm soát Quốc hội, song chênh lệch số ghế đã được thu hẹp rất nhiều so nhiệm kỳ trước. Tương quan lực lượng hai phe tại Quốc hội khá cân bằng có thể khiến tiến trình hoạch định và triển khai chính sách của chính quyền mới gặp khó khăn, nhất là trong các vấn đề khó về đối nội, trước mắt là việc phê chuẩn bộ máy chính quyền hay thông qua các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19...

Chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ từ ngày 20-1 tới, ông Biden sẽ bắt tay vào thực hiện các cam kết khi tranh cử, nhất là kiểm soát dịch bệnh, cải cách chính sách về nhập cư, y tế và chống biến đổi khí hậu. Song, để triển khai thông suốt các chính sách, nhiệm vụ trọng yếu nhất vẫn là hàn gắn sự chia rẽ, đoàn kết người dân và thu hẹp bất đồng phe phái trên chính trường.