Nhiệm vụ cấp bách của G20

Nhân Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra ngày 26-2 tới, Liên hiệp châu Âu (EU) kêu gọi các nhà lãnh đạo tài chính của G20 tiếp tục “bơm” tiền để phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Biếm họa của WANG SHIQI
Biếm họa của WANG SHIQI

Theo kế hoạch, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của G20 sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến tập trung bàn về phản ứng của toàn cầu đối với sự tàn phá chưa từng có do dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu. EU khuyến nghị chính phủ các nước tiếp tục duy trì chính sách tài khóa hỗ trợ và chính sách này cần tiếp tục được điều chỉnh một cách thận trọng, đồng thời được rà soát thường xuyên trong bối cảnh có nhiều bất ổn liên quan dịch bệnh.

Trong vòng một năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới. Việc hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và các nước đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan đã tàn phá hầu hết các nền kinh tế. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu đã suy giảm 4,3% trong năm 2020, một mức suy giảm chỉ xảy ra trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Tạp chí The Economist của Anh ước tính, trong năm 2020 và 2021, đại dịch sẽ gây tổn thất 10.300 tỷ USD cho sản lượng kinh tế toàn cầu, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chịu tổn thất hơn 2.000 tỷ USD, trong khi Mỹ sẽ chịu thiệt hại khoảng 1.700 tỷ USD. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết, tổng số nợ của chính phủ liên bang dự kiến sẽ vượt quá quy mô của nền kinh tế Mỹ trong năm nay, chưa tính gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất. Theo đó, trong  năm 2021, nợ liên bang của Mỹ sẽ lên tới khoảng 102% GDP, dự kiến tăng lên 107% GDP vào năm 2031, mức cao nhất mọi thời đại trong lịch sử nước Mỹ.

Kinh tế Anh cũng rơi vào tình trạng suy thoái mạnh nhất trong hơn 300 năm qua, với sản lượng của nền kinh tế “xứ sương mù” trong năm 2020 đã giảm 9,9% so năm 2019. Đây là  mức giảm lớn nhất kể từ cuộc “đại băng giá” năm 1709 và cao hơn mức giảm 9,7% của năm 1921, khi nền kinh tế thế giới bị vùi dập bởi suy thoái sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong số các quốc gia đang phát triển, Ấn Độ chịu mức thiệt hại lớn nhất, khoảng 950 tỷ USD. WB lo ngại nguy cơ tổn hại lâu dài đối với đầu tư, nguồn nhân lực, cũng như các khoản nợ mà các chính phủ và công ty đã vay để vượt qua đại dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Đại dịch Covid-19 càn quét và làm điêu đứng hầu hết nền kinh tế trên thế giới và các nước nghèo chịu hậu quả nặng nề hơn cả, với những khoản nợ khổng lồ, cũng như không có khả năng áp dụng các biện pháp kích thích sự phục hồi thông qua các khoản nợ mới. Do vậy, EU cho biết sẽ ủng hộ việc gia hạn sáng kiến của G20 vốn được đưa ra từ năm 2020 về việc giãn nợ cho các nước nghèo thêm sáu tháng nữa. Hồi tháng 10-2020, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 đã nhất trí gia hạn thêm sáu tháng đối với Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất và sẽ xem xét lại vấn đề này vào tháng 4-2021. 

EU cho biết, sẵn sàng thảo luận về các lựa chọn để giảm áp lực tài chính đối với các nước thu nhập thấp trong trường hợp phải đối mặt áp lực tài chính. Giới chức EU sẽ căn cứ theo phân tích và đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như WB về nhu cầu tài trợ từ bên ngoài ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp trong những năm tới.  Chủ tịch WB cho biết, việc giảm nợ cho các nước nghèo vẫn ít ỏi vì không phải tất cả các chủ nợ đều tham gia đầy đủ. Theo đó, chỉ 43 quốc gia trong tổng số 73 quốc gia được hưởng khoảng 5 tỷ USD từ DSSI để hỗ trợ các khoản an sinh xã hội, y tế và kinh tế nhằm ứng phó đại dịch, trong khi mức dự kiến là từ 8 tỷ đến 11 tỷ USD.