Nguy cơ trở lại

Gói ngân sách kỷ lục cho năm 2020 đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố. Với trị giá 4.750 tỷ USD, nhất là yêu cầu chi 8,7 tỷ USD cho dự án “tường biên giới”, đề xuất của lãnh đạo Nhà trắng không dễ vượt qua các “cửa ải” Quốc hội. Nguy cơ về một cuộc tranh cãi kịch liệt và kịch bản “đóng cửa chính phủ” một lần nữa quay trở lại.

Biếm họa của RODRIGO DE MATOS
Biếm họa của RODRIGO DE MATOS

Điểm nổi bật trong gói ngân sách năm 2020 do chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất là giảm chi tiêu nội địa và tăng ngân sách quốc phòng, an ninh. Tổng thống Trump đề nghị Quốc hội nâng tổng chi tiêu quốc phòng lên mức 750 tỷ USD, so mức 716 tỷ USD của năm tài khóa 2019, trong khi yêu cầu giảm ngân sách dành cho các chương trình phi quốc phòng còn 567 tỷ USD, so mức 597 tỷ USD được duyệt chi cho năm nay.

Với mức giảm 5%, Nhà trắng đề xuất cắt một loạt khoản chi, từ một số trợ cấp liên bang cho nông dân, giáo dục đến các chương trình chăm sóc y tế cho người nghèo và người già. Đây là những điều mà ông Trump không cam kết khi tranh cử. Ngoài ra, gói ngân sách mới cũng đề xuất giảm 31% chi phí dành cho hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng sạch. Mục tiêu giảm chi ảnh hưởng trực tiếp ngân sách các Bộ Ngoại giao, Nội vụ, Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế, Lao động, Giao thông và Cơ quan Bảo vệ môi trường, cũng như những chương trình viện trợ nước ngoài, phúc lợi người nghỉ hưu, cải cách giáo dục, y tế...

Trong khi đó, ngoài đề xuất ngân sách cho Lầu năm góc thêm 5%, Tổng thống Trump cũng đề nghị được rót thêm tiền cho việc xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Dù trước đó Quốc hội đã bác bỏ yêu cầu đòi 5,7 tỷ USD để xây “tường biên giới”, ông Trump vẫn tiếp tục đề nghị khoản mới trị giá 8,6 tỷ USD, gấp sáu lần khoản tiền mỗi năm Quốc hội phê duyệt cho các dự án an ninh biên giới trong hai năm qua; và cũng nhiều hơn 6% so khoản kinh phí ông Trump có thể huy động được khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp vừa qua.

Tổng thống Trump có lý do kỳ vọng gói ngân sách năm 2020 trở thành “ngân sách vì một nước Mỹ tốt đẹp hơn”, bởi có thể tiết kiệm gần 2.700 tỷ USD. Theo Văn phòng Quản lý ngân sách Nhà trắng, đây là khoản cắt giảm chi tiêu nhiều hơn bất kỳ chính quyền nào trong lịch sử Mỹ. Qua đó, “núi nợ” quốc gia của Mỹ (hiện ở mức kỷ lục là 22 nghìn tỷ USD) sẽ sớm được hạ xuống; ngân sách liên bang sẽ trở lại cân bằng sau 15 năm nữa, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm được duy trì mức 3,1%.

Tuy nhiên, ngay sau khi Tổng thống Trump công bố đề xuất ngân sách tài khóa mới, dư luận có chung nhận định rằng sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí cơ hội là “không” với Nhà trắng để có được cái gật đầu của giới lập pháp, nhất là tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát. Trong năm tài khóa 2019, ông Trump chỉ đề xuất gói ngân sách 4.400 tỷ USD, nhưng nhiều hạng mục đã không vượt qua được “cửa ải” Quốc hội. Mấu chốt bất đồng giữa Nhà trắng với nhánh lập pháp trong vấn đề ngân sách là vấn đề “tường biên giới”. Trong khi ông Trump khẳng định tính hiệu quả của bức tường an ninh dọc biên giới phía nam đất nước, thì phần đông các nghị sĩ lại cho rằng điều người Mỹ cần là “ngân sách phục vụ tất cả người dân”, chứ không phải hàng tỷ USD chỉ để xây một bức tường. Năm 2018, đòi hỏi chi phí xây “tường biên giới” đã trực tiếp châm ngòi “cuộc chiến ngân sách” quyết liệt giữa Nhà trắng và Quốc hội, dẫn đến chính phủ phải “đóng cửa một phần” kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Là cơ quan kiểm soát các mức chi tiêu thực tế của đất nước, cả hai viện Quốc hội cùng xây dựng và nhất trí về dự thảo ngân sách dựa trên đề xuất của Tổng thống. Dự luật lần lượt được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện, trước khi chuyển Tổng thống ký ban hành. Tuy nhiên trên thực tế, đề xuất ngân sách của Nhà trắng thường bị Đồi Capitol phớt lờ, trong khi người đứng đầu cơ quan hành pháp không ít lần phủ quyết dự luật của Quốc hội.

Bởi thế, trong bối cảnh chính trường Mỹ chia rẽ hiện nay và với yêu cầu chi phí xây “tường biên giới”, gói ngân sách mà Tổng thống Trump đề xuất cho năm tới chẳng những khó “lách qua khe cửa hẹp” của Quốc hội, mà còn châm ngòi cho một “cuộc chiến ngân sách” mới.