Nguy cơ tái bùng phát làn sóng Covid-19

Những ngày gần đây, đại dịch Covid-19 có dấu hiệu dịu bớt ở một số quốc gia, chính phủ các nước này đã giảm bớt giãn cách xã hội hoặc chuẩn bị “bình thường hóa” các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cảnh báo, thế giới mới chỉ ở giai đoạn đầu chống dịch và việc sớm nới lỏng phong tỏa có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát một làn sóng mới của dịch bệnh.

Biếm họa của LUOJIE
Biếm họa của LUOJIE

Tại Mỹ, điểm nóng nhất của dịch hiện nay, một số bang đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa. Thống đốc hai bang Georgia và Oklahoma đã cho phép các hiệu làm tóc và chăm sóc sắc đẹp mở cửa trở lại từ ngày 24-4. Bang Alaska “bật đèn xanh” cho các nhà hàng phục vụ khách ăn tại chỗ, trong khi các cửa hàng bán lẻ và cửa hàng kinh doanh khác cũng được phép mở cửa lại nhưng với một số hạn chế nhất định. Trước đó, Tổng thống Donald Trump cũng thông báo về việc Mỹ đã sẵn sàng “bật công tắc” mở cửa lại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, một số nước châu Âu cũng bắt đầu nới lỏng biện pháp hạn chế nhằm chống dịch. Theo đó, trẻ em ở Tây Ban Nha sẽ được đi ra ngoài cùng với bố mẹ tham gia các hoạt động thông thường như mua sắm, đi dạo... Cũng trong quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo nước này sẽ mở cửa trở lại các trường tiểu học và mầm non từ ngày 11-5. Tại Pháp, nhà máy sản xuất ô-tô Toyota của Nhật Bản tại Onnaning bắt đầu khôi phục hoạt động sau nhiều tuần đóng cửa do dịch. Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ đã quyết định dỡ bỏ cách ly theo ba giai đoạn vào tháng 5 như mở lại trường học, cửa hàng, dịch vụ, mang khẩu trang bắt buộc tại một số nơi công cộng. Áo sẽ bắt đầu mở cửa lại trường học từ ngày 4-5 tới, nếu các ca mắc Covid-19 không gia tăng.

Ở Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã tuyên bố kế hoạch nới lỏng từng bước lệnh phong tỏa đang áp dụng nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế quan trọng, bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại quốc gia này. Theo đó, Nam Phi sẽ giảm bớt giãn cách xã hội, hạ lệnh phong tỏa từ cấp độ 5 hiện tại xuống cấp độ 4 bắt đầu từ ngày 1-5. Một trong những điểm nóng dịch bệnh tại Trung Đông là Iran cũng cho phép mở cửa trở lại các công viên và khu vui chơi giải trí. Trong khi đó, một số nước Đông - Nam Á như Malaysia và Thái-lan cũng đang thận trọng xem xét nới lỏng phong tỏa.

Việc các nước nới lỏng phong tỏa trong bối cảnh dịch bệnh vẫn nghiêm trọng đang làm dấy lên quan ngại về nguy cơ tái bùng phát dịch. Thực tế tại Trung Quốc đã cho thấy, sau khi nước này mở cửa thành phố Vũ Hán và nới lỏng giãn cách xã hội, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng trở lại, nhất là ở tỉnh Hắc Long Giang, nơi có biên giới với Nga. Hôm 23-4, Trung Quốc đã phải phong tỏa thành phố Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Chính quyền Cáp Nhĩ Tân cũng đã ra lệnh cấm tụ tập đông người tại nơi công cộng, đồng thời lập các trạm kiểm soát dịch ở nhà ga, sân bay.

Trước tình trạng các nước sớm nới lỏng lệnh phong tỏa, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, một số nước tin rằng đã có thể kiểm soát dịch nhưng thực tế, số ca mắc bệnh có thể tăng trở lại, trong khi đó dịch đang diễn biến mạnh lên một cách đáng lo ngại tại châu Phi và châu Mỹ. Ông cảnh báo đại dịch sẽ còn kéo dài, đồng thời nhận định hiện phần lớn các nước vẫn ở trong giai đoạn đầu ứng phó với dịch.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát & Phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) Robert Redfield cảnh báo, nước Mỹ có thể đối mặt đợt dịch Covid-19 thứ hai vào mùa đông tới và còn tệ hại hơn nhiều so đợt bùng phát dịch hiện nay, vì có thể trùng với thời điểm bắt đầu mùa cúm. Người đứng đầu CDC khẳng định, sự kết hợp cùng lúc cúm mùa và dịch Covid-19 chắc chắn sẽ làm hệ thống y tế quốc gia căng thẳng hơn nhiều so đợt dịch hiện nay.

Đại dịch Covid-19 đã bùng phát trên toàn cầu theo cách “quá nhanh, quá nguy hiểm” và diễn biến phức tạp, khôn lường. Bởi vậy, việc “ấn công tắc” khởi động lại nền kinh tế và các hoạt động xã hội quá sớm có thể sẽ là hành động “dục tốc bất đạt” và gây tổn hại nghiêm trọng hơn nữa cho các quốc gia.