Nấc thang căng thẳng mới

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã leo lên nấc cao mới. Không chỉ đẩy hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào thế đối đầu, những diễn biến ở đông Địa Trung Hải còn làm tăng bất đồng, khoét sâu rạn nứt trong mối quan hệ đối tác vốn không suôn sẻ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp châu Âu (EU). 

Biếm họa của HASSAN BLEIBEL
Biếm họa của HASSAN BLEIBEL

Hôm 28-8, EU tuyên bố sẽ sớm công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan các hoạt động của Ankara trong vùng biển phía đông Địa Trung Hải có tranh chấp với hai thành viên EU là Hy Lạp và CH Cyprus. Sau cuộc thảo luận trực tuyến với các Bộ trưởng Ngoại giao EU, đại diện cấp Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nêu rõ, sẵn sàng thiết lập “mối quan hệ lành mạnh” với Thổ Nhĩ Kỳ trong tư cách ứng cử viên gia nhập “mái nhà chung EU”, song EU kiên quyết bảo vệ lợi ích của khối và đoàn kết với hai quốc gia thành viên trong cuộc tranh chấp trên biển với Thổ Nhĩ Kỳ. EU cảnh báo, Ankara cần kiềm chế các hành động đơn phương, mở đường cho đối thoại giữa các bên có tranh chấp.

EU đưa ra cảnh báo cứng rắn trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp liên quan tranh cãi giữa hai bên về biên giới trên biển và hoạt động thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực tranh chấp ngoài khơi các đảo của Hy Lạp ở đông Địa Trung Hải. Ankara khẳng định, vùng biển họ tiến hành thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của Thổ Nhĩ Kỳ, còn Athens coi hoạt động này là bất hợp pháp. Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu hải quân hộ tống tàu khảo sát và Hy Lạp cũng cử tàu chiến tới giám sát. Căng thẳng gia tăng dẫn tới đụng độ giữa các tàu hai nước, song Thổ Nhĩ Kỳ hai lần gia hạn hoạt động thăm dò khí đốt tại đây. Trong khi đó, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp vẫn tham gia các cuộc tập trận riêng rẽ tại vùng biển đang “nóng” lên từng ngày.

Căng thẳng giữa hai thành viên NATO có nguy cơ thổi bùng xung đột ở Địa Trung Hải, đặt khối đồng minh quân sự xuyên Đại Tây Dương trước thách thức cấp bách và phức tạp. Các Bộ trưởng Quốc phòng NATO họp khẩn, với sự tham gia của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, thảo luận các biện pháp nhằm làm dịu căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, trong đó, NATO không loại trừ khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt. Trong cuộc điện đàm hôm 28-8 với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng Thư ký NATO kêu gọi Ankara kiềm chế, đối thoại và giải quyết tranh chấp với Hy Lạp trên tinh thần đoàn kết giữa các đồng minh NATO và trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

Tuy nhiên, trước áp lực từ EU và NATO, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều chưa phát đi tín hiệu muốn “hạ nhiệt” căng thẳng. Ankara tuyên bố hải quân Thổ Nhĩ Kỳ không nhượng bộ, Athens cũng khẳng định sẵn sàng hành động cứng rắn để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong cuộc thảo luận với lãnh đạo NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, Ankara không từ bỏ các quyền và lợi ích quốc gia ở mọi nơi và chỉ ủng hộ một giải pháp công bằng, mang lại lợi ích cho các bên. Thổ Nhĩ Kỳ còn yêu cầu NATO thực thi trách nhiệm trước các bước đi đơn phương phớt lờ luật pháp quốc tế, gây tổn hại hòa bình khu vực. 

Đáp lại cảnh báo cứng rắn từ EU, Ankara khẳng định lại quyền và lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển Aegean và Địa Trung Hải; chỉ trích EU làm vấn đề thêm rối nếu tung ra các lệnh trừng phạt chống Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong sáu tháng cuối năm 2020, Đức đã thúc đẩy hòa giải, thông qua các chuyến thăm ngoại giao con thoi của Bộ trưởng Quốc phòng Heiko Mass tới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vốn là vấn đề tranh cãi riêng của Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và CH Cyprus trong nhiều thập niên, song gần đây, với nguồn khí đốt được phát hiện ngoài khơi, đông Địa Trung Hải trở thành khu vực chiến lược quan trọng, không chỉ với ba nước có tranh chấp, mà với cả các nước EU và khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Lợi ích từ hợp tác, nhất là trong vấn đề người di cư, có thể là động lực để các bên kiềm chế hành động đối đầu tại khu vực biển chiến lược này.