Mỹ Latin đối mặt khủng hoảng kinh tế

Trong bối cảnh Mỹ Latin đang trở thành tâm dịch Covid-19 mới, báo cáo mới nhất của tổ chức Getulio Vargas Foundation (FGV) cho thấy, nền kinh tế khu vực này đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Chỉ số đánh giá tình hình kinh tế của các nước Mỹ Latin đã giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua.

Biếm họa của ARCADIO ESQUIVEL
Biếm họa của ARCADIO ESQUIVEL

Theo báo cáo, chỉ số đánh giá tình hình kinh tế tại Mỹ Latin trong bốn tháng đầu năm nay đã giảm từ mức âm 14,1 điểm xuống tới âm 60,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1-1989, thời điểm hệ thống đo lường này ra đời. Ngoài ra, hai chỉ số đánh giá về tình hình kinh tế hiện tại và kỳ vọng về kinh tế khu vực trong tương lai đều đi xuống, lần lượt rớt xuống âm 89,9 điểm và âm 23,1 điểm. Các nước Chile, Ecuador, Uruguay và Venezuela thuộc tốp dưới cùng về chỉ số kinh tế hiện tại. Trong khi đó, chỉ ba nước có chỉ số kỳ vọng dương là Chile (30 điểm), Uruguay (25 điểm) và Colombia (0 điểm). Các nước còn lại đều có chỉ số âm.

Tổng cộng 11 nước tại khu vực Mỹ Latin được phân tích trong báo cáo đều ghi nhận chỉ số đánh giá tình hình kinh tế xấu hơn trong bốn tháng đầu năm nay, trong đó đáng lo ngại nhất là Brazil. Cũng theo báo cáo, tại 11 nước nói trên, sự đổi mới và nhu cầu tiêu dùng thấp được xem là những yếu tố quan trọng cần khắc phục để phát triển kinh tế.

Argentina, một trong những nền kinh tế chủ chốt của khu vực, đang trở thành “điểm nóng” về khủng hoảng kinh tế khi nước này phải liên tiếp lùi thời hạn chót để hoàn tất đàm phán với chủ nợ nước ngoài. Bộ Kinh tế Argentina thông báo sẽ kéo dài những cuộc đàm phán với các chủ nợ quốc tế về việc tái cấu trúc khoản nợ 66 tỷ USD đến ngày 2-6 tới. Theo Bộ trưởng Tài chính Martin Guzman, Argentina sắp vỡ nợ lần thứ hai trong gần 20 năm, do không thể thanh toán 500 triệu USD tiền lãi nợ trái phiếu nước ngoài, nhưng đang tiếp tục đàm phán với các chủ nợ để tái cấu trúc “núi nợ” này.

Sau hai năm suy thoái, Argentina đang nợ 324 tỷ USD, tương đương khoảng 90% GDP. Cuộc khủng hoảng nợ càng tồi tệ hơn khi nền kinh tế phải chịu các tác động của dịch Covid-19. Dù là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, Argentina đã vỡ nợ tám lần trong lịch sử, gần đây nhất là vào năm 2002, khi “núi nợ” của họ lên tới 100 tỷ USD. Chính phủ của Tổng thống Alberto Fernandez hy vọng đạt một thỏa thuận trước khi Argentina phải chịu các tác động nghiêm trọng của tình trạng vỡ nợ lần thứ chín. Bộ trưởng Guzman cho biết, thông báo về việc kéo dài thời hạn thanh toán nợ sẽ tạo thêm sự linh động nếu Argentina quyết định thực hiện các điều chỉnh trong vài ngày tới để bảo đảm một thỏa thuận bền vững với các chủ nợ.

Trong khi nội lực các nền kinh tế suy yếu do tác động của đại dịch, lượng kiều hối vốn là dòng tiền hỗ trợ quan trọng cho các nước Mỹ Latin cũng giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế do Covid-19 sẽ khiến kiều hối của khu vực Mỹ Latin chỉ đạt 77,5 tỷ USD trong năm 2020, giảm 18,5 tỷ USD so năm 2019. Lượng kiều hối của khu vực dự kiến suy giảm kỷ lục trong năm nay do sự sụp đổ của hệ thống việc làm trên toàn cầu, mà người lao động nhập cư là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Khi các quốc gia phải đóng cửa nền kinh tế để chống dịch thì tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng phi mã.

Trong bối cảnh nêu trên, báo cáo của WB cho biết, khoảng sáu triệu gia đình (tương ứng 30 triệu người) sẽ không nhận được kiều hối từ người thân ở nước ngoài do mất việc làm và tám triệu người khác sẽ mất ít nhất một tháng tiền kiều hối trong năm nay. Mức kiều hối trung bình tháng/gia đình ở Mỹ Latin là 212 USD và chiếm 50% tổng thu nhập hằng tháng của các gia đình này.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đang “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế của khu vực Mỹ Latin và gây hậu quả khôn lường. Giới phân tích dự báo kinh tế của Mỹ Latin và vùng Caribbe sẽ tăng trưởng âm 5,3% trong năm nay và số người nghèo sẽ tăng từ 186 triệu người hiện nay lên 214 triệu người, tương đương 33% tổng dân số của khu vực.