Mũi tên nhắm hai đích

Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến công du tới hai quốc gia Trung Đông là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 14-10. Chuyến đi được đánh giá là cơ hội để các bên thúc đẩy thương mại và đầu tư lên một tầm cao mới, đồng thời gia tăng ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông trong bối cảnh vai trò của Mỹ ngày càng mờ nhạt.

Tổng thống Nga V.Putin (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tham dự một cuộc họp ở Thủ đô Riyadh. Ảnh: VOA NEWS
Tổng thống Nga V.Putin (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tham dự một cuộc họp ở Thủ đô Riyadh. Ảnh: VOA NEWS

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới Saudi Arabia từ năm 2007. Kể từ đó đến nay, thế giới đã chứng kiến nhiều sự thay đổi và biến động ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ cũng như vai trò của Moscow tại khu vực. Chuyến đi có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế các bên, vì các nền kinh tế Nga, UAE và Saudi Arabia đều có chung đặc điểm là phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu mỏ.

Do đó, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ nằm trong số những ưu tiên của nhà lãnh đạo Nga. Reuters dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, các cuộc thảo luận trong chuyến thăm của ông Putin ở Riyadh đã bàn về tình hình thị trường năng lượng cũng như việc ổn định giá dầu và tăng cường hợp tác. Theo đó, Nga đã ký với Saudi Arabia thỏa thuận để thành lập một liên minh được gọi là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC+), cơ chế bao gồm các nước OPEC cùng Nga và một số đối tác xuất khẩu dầu lớn không thuộc OPEC, nhằm bình ổn giá dầu thô bằng cách kiềm chế sản lượng.

Từng được coi là đối trọng của OPEC, nên việc Moscow bắt tay với Riyadh là dấu hiệu tích cực đối với cả hai bên. Giới quan sát cho rằng sự hợp tác giữa Nga và Saudi Arabia sẽ hình thành một “siêu OPEC”, có khả năng đối phó hiệu quả những biến động của thị trường dầu trước mọi tác động. Tương tự, nước láng giềng UAE cũng hết sức đề cao việc phối hợp với các tập đoàn liên doanh của Nga để có thể giúp quốc gia vùng Vịnh này đa dạng hóa nền kinh tế, vốn bị phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ.

Bên cạnh đó, chuyến công du của người đứng đầu Điện Kremlin cũng nhằm mục đích nhấn mạnh vai trò trung gian hòa giải của Nga tại Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh tình hình Syria đang “nóng” trở lại sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tiến công lực lượng người Kurd ở đông bắc Syria.

Những năm gần đây, Moscow đã và đang chứng tỏ là đối tác đáng tin cậy ở khu vực thông qua việc hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad từng bước đẩy lùi các lực lượng khủng bố, lập lại ổn định. Sự ủng hộ hiệu quả đối với chính quyền Damas khiến cho cân bằng trật tự ở khu vực được lập lại, qua đó giúp tăng cường uy tín và ảnh hưởng của Nga tại một trong những khu vực có vị thế địa - chính trị quan trọng của thế giới.

Kể từ sau khi mối quan hệ giữa Nga với phương Tây và Mỹ rơi vào trạng thái “đóng băng” sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập Nga năm 2014, Moscow đã chủ động thiết lập những mối quan hệ nồng ấm với nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia ở Trung Đông, qua đó giúp Nga tìm kiếm đối tác và thị trường mới. Trong bối cảnh hiện nay, khi Mỹ rút quân khỏi Syria và nhiều động thái đã cho thấy Washington không còn muốn can dự sâu tại Trung Đông, Nga được kỳ vọng sẽ có một tiếng nói lớn hơn tại khu vực. Với chiến lược “kinh tế đi trước”, Nga đang cho thấy những hành động hết sức cụ thể đối với việc mở rộng tầm ảnh hưởng tại vùng Vịnh.

Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới Saudi Arabia và UAE lần này là một cơ hội nữa để Nga tiếp tục nâng tầm vai trò của mình tại Trung Đông. Vì thế, chuyến công du của Tổng thống Putin được các nhà quan sát nhận định là “mũi tên nhắm hai đích”, một mặt thúc đẩy hợp tác kinh tế tại một khu vực đầy tiềm năng, qua đó tạo “bàn đạp” nâng cao vai trò và tiếng nói của Moscow đối với những vấn đề hệ trọng của khu vực.