Mối đe dọa với vùng Vịnh

Vụ phiến quân Houthi tiến công nhà máy chế xuất dầu thô lớn nhất thế giới của Saudi Arabia đã tác động mạnh tới thị trường dầu mỏ khu vực và thế giới những ngày qua, đồng thời thổi bùng lên những bất đồng khó hóa giải trong quan hệ Mỹ - Iran. Saudi Arabia tuyên bố sẽ mời chuyên gia LHQ điều tra vụ tiến công gây tranh cãi này.

Biếm họa của EMAD HAJJAJ
Biếm họa của EMAD HAJJAJ

Ngày 14-9 vừa qua, nhà máy lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Aramco ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia đã bị máy bay không người lái tiến công, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, vụ tiến công đã gây thiệt hại cho nhà máy chế xuất dầu thô lớn nhất thế giới của Saudi Arabia và khiến sản lượng dầu mỏ của nước này giảm hơn một nửa. Các nước, tổ chức quốc tế đều chỉ trích vụ tiến công này là mối đe dọa thật sự đối với an ninh khu vực, và vào thời điểm căng thẳng trong khu vực đang tăng cao, vụ tiến công này hủy hoại các nỗ lực đang được tiến hành hướng tới đối thoại và làm dịu tình hình.

Vụ tiến công không chỉ tác động mạnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu của Saudi Arabia, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ Mỹ - Iran. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, các vũ khí được sử dụng đến từ Iran. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng khẳng định, mục tiêu của vụ tiến công này là chuỗi cung ứng dầu mỏ toàn cầu và là sự mở rộng các động thái thù địch trước đó nhằm vào những trạm bơm dầu của Saudi Arabia hồi tháng 5 vừa qua. Lực lượng Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận tiến hành vụ tiến công, song Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho rằng không có bằng chứng cho thấy vụ tiến công bắt nguồn từ Yemen, nơi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu chống Houthi hơn bốn năm qua. Giới chức Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tiến công này, song Tehran đã bác bỏ cáo buộc.

Theo các nhà phân tích, tuyên bố trên báo hiệu một lập trường cứng rắn hơn của Washington đối với Tehran, sau những dấu hiệu về khả năng “tan băng” trong quan hệ Mỹ - Iran sau nhiều tháng căng thẳng. Những tuần gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố để ngỏ cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ diễn ra ở New York vào cuối tháng này. Trong khi đó, Tổng thống Iran vẫn khẳng định Tehran không tìm kiếm vũ khí hạt nhân, tuyên bố sẽ không đàm phán với Mỹ chừng nào Washington chưa gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này. Có ý kiến cho rằng, sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng dầu mỏ sau vụ tiến công khiến Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép Iran nối lại xuất khẩu dầu thô sau nhiều tháng đơn phương trừng phạt Tehran.

Vụ tiến công nhằm vào nhà máy chế xuất dầu thô lớn nhất thế giới của Saudi Arabia đã làm giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng sáu tháng qua, khiến Mỹ phải mở các kho dự trữ dầu chiến lược của mình để ổn định nguồn cung. Vào lúc cao điểm trong ngày 16-9, giá dầu có lúc đã tăng vọt 19% trước khi rời đỉnh. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất kể từ năm 1991 khi nổ ra chiến tranh vùng Vịnh. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết nước này cũng phải sử dụng dầu dự trữ để bù đắp hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Saudi Arabia đã xây dựng năm cơ sở ngầm dự trữ dầu khổng lồ với chi phí hàng chục tỷ USD, có sức chứa hàng chục triệu thùng dầu thành phẩm các loại tại nhiều vùng khác nhau để nước này sử dụng khi xảy ra khủng hoảng.

Đồng thời với việc kêu gọi LHQ điều tra vụ tiến công, Saudi Arabia tuyên bố sẽ khôi phục sản lượng dầu mỏ vào cuối tháng 9 này. Hoàng thân Abdulaziz bin Salman khẳng định, nguồn cung dầu thô của Saudi Arabia sẽ quay trở lại thị trường như trước thời điểm xảy ra vụ tiến công. Theo đó, dự kiến Saudi Arabia sẽ trở lại mức sản lượng 11 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 9 và 12 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 11.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, việc đặt mục tiêu trở lại mức 11 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 9 của Saudi Arabia là tham vọng, nếu tính đến mức độ hư hại tại các nhà máy cần phải sửa chữa. Hiện vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại tại các cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia sau vụ tiến công và việc sửa chữa có thể kéo dài tới vài tuần.