Lòng tin hao hụt

Xuất phát từ hoạt động thả truyền đơn bị cáo buộc là chống Bình Nhưỡng, căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc leo thang trúng dịp tròn 20 năm ra Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao liên Triều đầu tiên ngày 15-6-2000. Lòng tin hao hụt có nguy cơ đẩy nỗ lực hòa giải hai miền và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thêm bế tắc.

Biếm họa của LISA
Biếm họa của LISA

Các nguồn tin quân sự từ Hàn Quốc cho biết, hôm 16-5, khói đã bốc lên sau một vụ nổ tại khu vực văn phòng liên lạc chung liên Triều, đặt tại TP Kaesong trên biên giới hai miền. Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo, Triều Tiên đã cho nổ văn phòng này, đúng như những gì Bình Nhưỡng cảnh báo. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in triệu tập họp an ninh cấp cao khẩn cấp, trong khi quân đội Hàn Quốc tăng cường hoạt động giám sát, với tư thế sẵn sàng trước khả năng xảy ra đụng độ ở biên giới. Seoul tuyên bố theo sát các động thái tiếp theo của Bình Nhưỡng.

Vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau dịp tròn 20 năm Tuyên bố chung liên Triều lịch sử. Kênh truyền hình và đài phát thanh nhà nước Triều Tiên xác nhận, văn phòng liên lạc chung đã bị phá hủy hoàn toàn. Trước đó, thành viên cấp cao Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, bà Kim Yo-jong từng cảnh báo, Bình Nhưỡng sẽ cắt quan hệ với Seoul và áp dụng các biện pháp cần thiết để trừng phạt Hàn Quốc. Quân đội Triều Tiên lên kế hoạch đưa lực lượng trở lại các khu vực đã được phi quân sự hóa theo thỏa thuận liên Triều, biến tiền tuyến thành một pháo đài, đồng thời tăng cường các biện pháp cảnh giác quân sự.

Vụ nổ tại văn phòng liên Triều là đỉnh điểm căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, vốn leo thang từ đầu tháng 6, xuất phát từ hoạt động thả truyền đơn bị cáo buộc có nội dung chống Triều Tiên. Bình Nhưỡng liên tiếp lên án Seoul không nỗ lực ngăn chặn dù hai bên đã ký thỏa thuận chấm dứt các hoạt động như vậy. Triều Tiên cũng đổ lỗi cho Hàn Quốc gây ra tình trạng “căng thẳng tồi tệ” trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng thông báo cắt mọi đường dây nóng liên Triều và đóng cửa văn phòng liên lạc giữa hai chính phủ.

Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố siết chặt kiểm soát các hoạt động rải truyền đơn vào Triều Tiên và trừng phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật. Seoul khẳng định tiếp tục tuân thủ các thỏa thuận hai miền đã ký nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra xung đột. Tuy nhiên, cam kết của Seoul vẫn không thể làm Bình Nhưỡng nguôi giận. Theo giới quan sát, các nỗ lực hòa giải hai miền không tiến triển, trong khi tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân lại bế tắc, khiến lòng tin giảm sút. Bình Nhưỡng lên án các kế hoạch tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ. Trong bối cảnh ấy, các vụ rải truyền đơn càng như mồi lửa châm ngòi cơn phẫn nộ của Triều Tiên.

Trong khi căng thẳng leo thang giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố vẫn duy trì “thế phòng thủ phối hợp tích cực” nhằm đối phó bất kỳ tình huống nào trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump chưa có phản ứng hay phát biểu chính thức nào liên quan các động thái từ Bình Nhưỡng, khi mà mối bận tâm lớn nhất của Nhà trắng hiện nay là ứng phó dịch Covid-19, làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc, cũng như nỗ lực chuẩn bị cho ngày bầu cử quan trọng vào cuối năm. Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Hai mươi năm trước, bản tuyên bố lịch sử ngày 15-6-2000 đã đặt viên gạch đầu tiên, làm nền móng cho mục tiêu hòa giải, mở ra thời kỳ hợp tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, hướng tới nền hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên. Từ đó, tiến trình cải thiện quan hệ liên Triều trải qua nhiều thăng trầm, với nhiều nỗ lực của cả hai bên thể hiện rõ nét trong Tuyên bố Panmunjom và Tuyên bố chung Bình Nhưỡng, đạt được sau hai cuộc gặp cấp cao liên Triều trong các ngày 27-4 và 19-9-2018. Đây là những cơ sở quan trọng cho nỗ lực gây dựng và củng cố lòng tin trong nỗ lực cải thiện quan hệ hai miền.

Thực tế cho thấy, tiến trình đối thoại liên Triều luôn song hành cùng nỗ lực đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Điều cấp bách giúp “hạ nhiệt” căng thẳng giữa hai miền là sớm khôi phục niềm tin vốn đã hao hụt thời gian qua.