Lợi thế trên đường đua

Trong dư âm dễ chịu từ “phán quyết vô tội”, Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng tốc chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, bằng chuyến đi dài ngày tới bờ tây nước Mỹ. Trên đường đua, lợi thế lớn của ông Trump là thành tựu về kinh tế. Song, thách thức cũng không nhỏ, khi vị Tổng thống thứ 45 của “xứ cờ hoa” vẫn cần chứng minh nước Mỹ đã thật sự “vĩ đại trở lại” hay chưa.

Biếm họa của ARCADIO ESQUIVEL
Biếm họa của ARCADIO ESQUIVEL

Với khẩu hiệu “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại”, Tổng thống Mỹ D.Trump đã khởi động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai từ tháng 6-2019. Song, chuyến đi tới bốn bang bờ tây nước Mỹ từ cuối tuần trước mới được xem là khởi đầu cho mùa vận động cử tri của vị lãnh đạo Nhà trắng đương nhiệm. Đây cũng là lần đầu Tổng thống Trump xuất hiện tại khu vực này kể từ tháng 10-2018. Bởi thế, chuyến đi được kỳ vọng giúp củng cố nền tảng chính trị, tiếp thêm động lực và gây quỹ cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump. Thành công đã được ghi nhận, khi có hàng nghìn người tới theo dõi bài phát biểu của Tổng thống, trong buổi vận động cử tri tại Đài tưởng niệm cựu binh ở thành phố Phoenix, thủ phủ bang Arizona, chặng đầu trong chuyến công du, trước khi ông Trump tới các bang Nevada, Colorado và California.

Tổng thống Trump khởi đầu mùa vận động cử tri trong bối cảnh có nhiều điểm thuận, nhất là những diễn biến có lợi cho “ông chủ” Nhà trắng đầu năm 2020. Chỉ trong tuần đầu của tháng 2 vừa qua, đã có ba sự kiện lớn, đó là cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại bang Iowa; Thượng viện ra phán quyết tổng thống “hoàn toàn vô tội”; Tổng thống Trump đọc Thông điệp liên bang khẳng định thành tựu. Kết quả của cả ba sự kiện trên đã kéo cán cân lợi thế nghiêng hẳn về phía vị Tổng thống đương nhiệm và đảng Cộng hòa.

Với vai trò được cho là định hướng lá phiếu của cử tri Mỹ, song kết quả cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa lại cho thấy, đảng Dân chủ chưa có ứng cử viên nào thật sự nổi trội, xứng tầm đối trọng với ứng cử viên Trump của phe Cộng hòa. Việc Thượng viện bác bỏ cáo buộc Tổng thống lạm quyền và cản trở Quốc hội đã chấm dứt nỗ lực của phe Dân chủ mà ông Trump gọi là “cuộc săn phù thủy”, đồng thời gia tăng uy tín cho lãnh đạo Nhà trắng. Tận dụng cơ hội thuận lợi ấy, trong Thông điệp liên bang năm 2020, ông Trump đã gửi gắm hàm ý ông xứng đáng được lựa chọn tiếp tục “giữ nước Mỹ vĩ đại”, ít nhất trong bốn năm tiếp theo.

Không phủ nhận rằng những tín hiệu khả quan của nền kinh tế Mỹ đang tạo lợi thế cho Tổng thống Trump. Thành tựu kinh tế nổi bật của chính quyền Tổng thống Trump trong ba năm qua có thể nhìn nhận rõ nét ở ba chỉ số kinh tế cơ bản: tăng trưởng, thất nghiệp và chứng khoán. Cùng đà suy thoái kinh tế bị chặn đứng, những con số ấn tượng, như bảy triệu việc làm mới đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức đáy của nửa thế kỷ, giúp Nhà trắng tự tin về các quyết sách đem lại thịnh vượng cho “xứ cờ hoa”. Chưa phải thỏa thuận cuối cùng, song “hiệp định đình chiến” đã giúp Mỹ củng cố vị thế trên “bàn cờ thương mại” với Trung Quốc...

Tuy nhiên, trong lĩnh vực đối ngoại, mọi chuyện lại không suôn sẻ. Ngoài tranh cãi kéo dài với Trung Quốc và các đồng minh trong Liên hiệp châu Âu (EU), thì những lình xình vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa với các bạn hàng truyền thống trong khu vực Bắc Mỹ và các đối tác châu Á truyền thống. Những chính sách của Mỹ với các điểm nóng trên thế giới vẫn là chưa đủ để giúp đi đến các giải pháp cuối cùng. Chẳng hạn, đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc; thương lượng về ngừng bắn với Taliban chưa chắc chắn dẫn tới cuộc đối thoại quốc gia ở Afghanistan; Syria và Iraq vẫn chưa thoát khỏi “vũng lầy bạo lực”; căng thẳng với Iran lại bị đẩy lên mức đối đầu nguy hiểm...

Trong bối cảnh như vậy, thành tựu kinh tế dù nổi trội, vẫn chưa xóa hết nghi ngại về cam kết “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà Tổng thống Trump đưa ra khi tranh cử nhiệm kỳ đầu. Thế nên, chiếm ưu thế trên chặng đua hiện tại, song vị Tổng thống đương nhiệm ở “xứ cờ hoa” còn cả con đường gian nan, trước khi thực hiện cam kết mới là “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại”.