Lời cảnh báo từ đồng minh

Quan hệ đồng minh Mỹ - Đức có nguy cơ rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sau khi kế hoạch của Mỹ giảm quân số đồn trú tại Đức bị tiết lộ. Các chuyên gia và chính giới Berlin cảnh báo, bước đi của Washington càng thúc đẩy châu Âu thêm động lực sắp xếp lại chính sách an ninh, theo hướng tự chủ hơn về phòng thủ.

Biếm họa của MARIAN KAMENSKY
Biếm họa của MARIAN KAMENSKY

Thông tin xuất hiện tuần trước trên tờ The Wall Street Journal cùng một loạt phương tiện truyền thông tiết lộ rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị Lầu năm góc rút bớt quân số Mỹ hiện đồn trú tại Đức, từ 34.500 xuống 25.000 binh sĩ; kế hoạch rút 9.500 lính Mỹ này được thực hiện từ tháng 9 tới.

Dù chưa được Nhà trắng xác nhận hay bình luận chính thức, song thông tin truyền thông tiết lộ lập tức gây xôn xao dư luận, trong giới chức và chuyên gia tại Đức. Phát biểu ý kiến với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết, Berlin chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ Washington về điều chỉnh chính sách an ninh của Mỹ tại châu Âu. Tuy nhiên, nữ Bộ trưởng Đức tái khẳng định, sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Đức là phục vụ nhiệm vụ phòng vệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và vì chính an ninh quốc gia của nước Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tuyên bố “rất quan tâm” thông tin về kế hoạch rút quân của Lầu năm góc. Theo ông, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương gần đây trở nên “phức tạp hơn”, song Berlin vẫn đánh giá cao hợp tác quân sự với Washington, vốn đem lại lợi ích cho cả Đức và Mỹ. Điều phối viên chính phủ Đức về quan hệ xuyên Đại Tây Dương Peter Beyer thẳng thừng chỉ rõ, kế hoạch rút bớt lực lượng Mỹ khỏi Đức là “không thể chấp nhận”, tác động nghiêm trọng tới quan hệ đồng minh giữa hai nước. Đặc biệt, Mỹ không hề thông báo ý định tới các đồng minh NATO, nhất là Đức.

Phản ứng của chính giới và dư luận Đức lại mạnh mẽ hơn. Theo nghị sĩ Johann Wadephul, thành viên cấp cao trong đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, chỉ riêng ý định giảm quân số Mỹ đồn trú tại Đức đã cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump thờ ơ với nhiệm vụ lãnh đạo NATO, đồng thời làm gia tăng động lực để châu Âu tự chủ hơn, trong bối cảnh Đức và Pháp thúc đẩy dự án thành lập lực lượng quân sự riêng của châu Âu, giảm lệ thuộc “chiếc ô an ninh” của Mỹ thông qua NATO. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đối tác của CDU trong liên minh cầm quyền, ông Rolf Muetzenich cũng cảnh báo, kế hoạch rút quân của Mỹ khiến châu Âu sớm sắp xếp lại chính sách an ninh.

Ngay cả cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu Ben Hodges cũng cảnh báo ý định của Mỹ là một sai lầm lớn. Bởi lẽ, không chỉ bảo vệ Đức, lực lượng Mỹ tại châu Âu được triển khai để bảo đảm an ninh cho tất cả các thành viên NATO, gồm cả Mỹ. Giới chuyên gia nêu rõ, kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump trực tiếp làm tổn hại an ninh châu Âu, khiến phương Tây suy yếu trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ mới nổi.

Thực tế, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu giảm mạnh kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, song Đức vẫn là một trung tâm đồn trú quan trọng của lực lượng Mỹ. Hiện, Lầu năm góc duy trì hàng chục nghìn binh sĩ, nhân viên quân sự tại sáu căn cứ, chủ yếu ở miền nam và tây - nam Đức. Không chỉ có ý nghĩa trọng yếu về mặt an ninh với Đức và NATO, khi được sử dụng để điều phối hoạt động quân sự tại châu Âu, châu Phi và khu vực Trung Đông, các căn cứ Mỹ ở Đức cũng có ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương tại Đức.

Tuy nhiên, gần đây quan hệ đồng minh Mỹ - Đức nguội lạnh do bất đồng về các vấn đề thương mại, an ninh. Thủ tướng Đức phản đối quan điểm của Tổng thống Mỹ coi nhẹ vai trò NATO và giảm đóng góp cho các hoạt động quân sự chung. Mới nhất, bà Merkel còn thẳng thừng từ chối lời mời của ông Trump dự hội nghị G7 tại Mỹ. Theo giới quan sát, mâu thuẫn gay gắt giữa hai bên ẩn sau ý định của Mỹ cắt giảm lực lượng tại Đức.