Leo thang “cuộc chiến” trừng phạt

Các động thái “ăn miếng, trả miếng” giữa Mỹ và Iran đã leo thang những ngày gần đây khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào quan chức và các thực thể Iran, trong khi Tehran cũng đưa Đại sứ Mỹ tại Iraq và hai nhà ngoại giao khác vào danh sách trừng phạt. Washington cảnh báo trừng phạt mọi hành động bán vũ khí cho Iran, còn Tehran tuyên bố “đã sẵn sàng mua bán vũ khí”.

Biếm họa của ASIA TODAY
Biếm họa của ASIA TODAY

Iran đã đưa Đại sứ Mỹ tại Baghdad và hai nhà ngoại giao khác vào danh sách trừng phạt sau khi Mỹ có động thái tương tự với Đại sứ Iran tại Washington. Trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, Đại sứ Mỹ tại Iraq Matthew Tueller bị trừng phạt vì có vai trò chính trong vụ ám sát Tướng Qassem Soleimani. Ngoài Đại sứ Tueller, hai nhà ngoại giao khác bị trừng phạt gồm Phó Đại sứ Mỹ tại Iraq Steve Fagin và Tổng lãnh sự Mỹ tại thành phố Arbil Rob Waller. Tehran cáo buộc các nhà ngoại giao nói trên đã tổ chức, tài trợ, chỉ đạo và thực hiện các hành động chống lại các lợi ích của chính phủ và người dân Iran. 

Động thái của Iran nhằm đáp trả việc Mỹ cuối tuần qua đã áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào các thực thể và quan chức của Tehran. Theo Bộ Tài chính Mỹ, năm thực thể Iran bị Mỹ áp đặt trừng phạt gồm Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc IRGC (IRGC-QF), Viện Bayan Rasaneh Gostar, Đài Truyền hình & Phát thanh Hồi giáo Iran và Liên minh Truyền thông ảo quốc tế. Mỹ cáo buộc năm thực thể này “tìm cách chi phối các cuộc bầu cử ở Mỹ”. Đồng thời, lệnh trừng phạt của Washington cũng áp đặt với Đại sứ Iran tại Iraq Iraj Masjedi, một tướng của IRGC-QF. Trước đó, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ John Ratcliffe đã cáo buộc Iran và Nga tìm cách tác động cử tri Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu tháng 11 tới.

Căng thẳng quan hệ Mỹ - Iran leo thang những ngày gần đây còn liên quan việc mua bán vũ khí của Tehran. Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo cảnh báo, Washington sẵn sàng sử dụng thẩm quyền trong nước để trừng phạt bất kỳ cá nhân hay thực thể nào đóng góp về vật chất nhằm cung cấp, bán hoặc vận chuyển vũ khí thông thường tới hoặc từ Iran. Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ áp dụng ngay cả khi lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Iran đã hết hiệu lực. Phía Tehran đã phản ứng gay gắt với tuyên bố nêu trên của Mỹ. 

Bộ trưởng Hatami nhấn mạnh, Iran sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ tính toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Cũng theo ông Hatami, Tehran đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong sản xuất vũ khí cho lực lượng bộ binh, pháo binh, tàu quân sự, tàu ngầm và đặc biệt là công nghệ bay không người lái. Cùng với tuyên bố nêu trên, Iran đang nỗ lực phát triển vũ khí do nước này tự sản xuất. Theo đó, cuối tuần qua, ngay sau khi lệnh cấm vận vũ khí quốc tế đối với Tehran hết hiệu lực, nước này đã tiến hành thử nghiệm các hệ thống phòng không được sản xuất trong nước. Trang mạng Iribnews cho biết, trong những cuộc diễn tập này, “các hệ thống thế hệ mới của lục quân và IRGC đã thể hiện sức mạnh của mình”.

Cuộc “khẩu chiến” Mỹ - Iran liên quan lệnh mua bán vũ khí nêu trên diễn ra trong bối cảnh lệnh cấm bán vũ khí thông thường cho Iran đã hết hiệu lực dần kể từ ngày 18-10. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề của Mỹ vẫn tiếp tục được áp dụng đối với Tehran và Wasington đã hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ thông qua việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran.

Năm 2015, Iran ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với Nhóm P5+1, trong đó có Mỹ. Theo thỏa thuận, Iran thu hẹp chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, bao gồm nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi JCPOA năm 2018 và đơn phương áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, khiến quan hệ song phương ngày càng tồi tệ. Việc “cuộc chiến” trừng phạt Washington - Tehran leo thang hiện nay không chỉ làm gia tăng căng thẳng an ninh ở khu vực Trung Đông, mà còn gây ra nhiều hệ lụy kinh tế, nhất là với quốc gia Hồi giáo Iran.