Kinh tế Đông - Nam Á đối mặt nhiều khó khăn

Trong năm 2020, ngoại trừ Việt Nam, phần lớn các nền kinh tế lớn của khu vực Đông - Nam Á như Thái-lan, Indonesia, Philippines, Singapore, đều suy giảm tăng trưởng mạnh vì đại dịch Covid-19. Triển vọng kinh tế khu vực hiện được giới phân tích dự báo tươi sáng hơn, nhưng 2021 sẽ vẫn là một năm khó khăn với đa số các nền kinh tế Đông - Nam Á.

Biếm họa của SABIR NAZAR
Biếm họa của SABIR NAZAR

Thái-lan có nền kinh tế phụ thuộc lớn du lịch, do vậy đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế nước này thiệt hại nặng nề. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP ròng của Thái-lan sẽ ở mức âm trong năm 2021. Krungthai Compass, cơ quan nghiên cứu của Ngân hàng Krungthai, vừa dự báo lạc quan hơn khi cho rằng GDP của Thái-lan trong năm 2021 sẽ tăng trưởng 2,5%, với giả định các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn những ca nhiễm Covid-19 mới sẽ được chính phủ duy trì cho đến tháng 2. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của kinh tế Thái-lan còn nhiều khó khăn và phụ thuộc lớn vào tình hình ngăn chặn dịch bệnh.

Nhà kinh tế trưởng của Krungthai, ông Phacharaphot Nuntramas nhận định, các biện pháp hỗ trợ mới nhất của Chính phủ Thái-lan vừa được thông qua sẽ giúp thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế cả năm lên 2,5% trong năm 2021. Nếu gói hỗ trợ mới nhất không được thực hiện, tăng trưởng GDP của Thái-lan trong năm nay sẽ giảm xuống còn 1,5%. Đại dịch Covid-19 cũng đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông - Nam Á là Indonesia. Theo dự báo kinh tế mới nhất từ giới chuyên gia, GDP của Indonesia giảm 2,2% vào năm 2020 và phục hồi lên mức tăng trưởng 6% vào năm 2021 nhờ sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tăng trưởng kinh tế của Indonesia dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2021, nhưng đại dịch sẽ tiếp tục làm suy giảm các hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, các nền kinh tế lớn khác như Singapore hay Philippines cũng tiếp tục lâm vào tình cảnh khó khăn trong năm nay, sau khi đã suy giảm mạnh năm 2020. Số liệu ước tính ban đầu mà Bộ Công thương Singapore (MTI) vừa công bố cho thấy, GDP của nước này năm 2020 suy giảm 5,8%. Đây là mức suy giảm mạnh nhất từ trước tới nay, song vẫn ít hơn so mức suy giảm 6,5% được dự báo trước đó. Các số liệu ước tính của MTI cho thấy, trong quý IV-2020, nền kinh tế của “đảo quốc sư tử” suy giảm 3,8% so cùng kỳ năm 2019. Lĩnh vực xây dựng giảm 28,5%, trở thành lực cản cho tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Các ngành dịch vụ, phân phối, vận tải và kho bãi cũng trong tình trạng ảm đạm, với mức tăng trưởng cả năm là âm 11,2%. MTI dự báo nền kinh tế Singapore sẽ đạt tăng trưởng tích cực trong năm 2021, từ 4 đến 6%, nhưng những rủi ro phía trước vẫn rất lớn.

Tại Philippines, giới phân tích nhận định kinh tế nước này suy giảm từ 8,5 đến 9,5% trong năm 2020, song sẽ phục hồi trong năm 2021 với đà tăng trưởng từ 6,5 đến 7,5% và tiếp tục tăng trưởng từ 8 đến 10% trong năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Philippines trong năm nay không chắc chắn khi dịch bệnh vẫn nghiêm trọng và số ca tử vong vì Covid-19 hiện đứng thứ hai ở khu vực Đông - Nam Á, chỉ sau Indonesia. Trước tình hình kinh tế khó khăn, Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte mới đây đã ký thông qua kế hoạch ngân sách trị giá 93,7 tỷ USD cho năm 2021. Đây là khoản ngân sách lớn nhất từng được thông qua tại quốc gia này, gấp 10 lần ngân sách năm 2020, với trọng tâm là hỗ trợ phục hồi một trong những nền kinh tế từng tăng trưởng nhanh nhất châu Á và kiềm chế đại dịch.

Ở trên bình diện toàn khu vực, ICAEW nhận định GDP của Đông - Nam Á giảm 4,1% vào năm 2020 trước khi tăng 6,2% vào năm 2021 nhờ chính sách hỗ trợ tài chính và tiền tệ. Tuy nhiên, ICAEW cảnh báo tăng trưởng có thể bị hạn chế bởi các biện pháp giãn cách xã hội hơn nữa, nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực Đông - Nam Á sẽ mất khá nhiều thời gian để phục hồi sản lượng bị mất trong năm 2020.