Kịch bản lặp lại

Bất đồng kéo dài liên quan vấn đề ngân sách đã khiến liên minh cầm quyền ở Israel không thể đáp ứng hạn chót thông qua, buộc Quốc hội phải tự động giải thể. Kịch bản khủng hoảng chính trị lặp lại; và cuộc bầu cử trước thời hạn lần thứ tư trong chưa đầy hai năm đã được ấn định vào tháng 3 năm tới. 

Biếm họa của MARIAN KAMENSKY
Biếm họa của MARIAN KAMENSKY

Liên minh cầm quyền ở Israel, giữa đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu với đảng Xanh - Trắng do Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz lãnh đạo đã bỏ lỡ hạn chót (đêm 22-12) để thông qua ngân sách quốc gia. Theo luật định, Quốc hội Israel buộc phải giải thể, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 3-2021. Trước đó, tối 21-12, Quốc hội Israel đã bác bỏ đề xuất của hai đảng trong liên minh cầm quyền về lùi hạn chót thông qua dự thảo ngân sách.

Cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề ngân sách trong nhiều tháng qua đã khiến liên minh cầm quyền giữa các đảng của Thủ tướng B.Netanyahu và cựu đối thủ chính trị B.Gantz bên bờ vực sụp đổ. Thủ tướng mong muốn thông qua dự thảo ngân sách có thời hạn một năm, thay vì hai năm như thông lệ. Lập luận của ông Netanyahu là điều này giúp chính phủ linh hoạt hơn trong nỗ lực ứng phó dịch Covid-19. Trong khi đó, ông Gantz - người theo kế hoạch sẽ tiếp quản chức thủ tướng trong nửa cuối nhiệm kỳ, không tán thành và chỉ muốn duy trì thông lệ. 

Bộ trưởng Quốc phòng B.Gantz cảnh báo, việc không có dự thảo ngân sách mới của chính phủ khiến đời sống người dân và hoạt động của các doanh nghiệp Israel gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo phe Xanh - Trắng từng dọa kêu gọi giải thể Quốc hội, nhằm gây sức ép với Thủ tướng để thông qua ngân sách quốc gia thời hạn hai năm. Trong khi đó, ông Netanyahu kiên quyết bảo vệ ý tưởng ngân sách ngắn hạn. 

Chỉ trong vòng một năm, khủng hoảng chính trị đã khiến Israel phải trải qua ba cuộc tổng tuyển cử trước hạn. Sau cuộc bầu cử mới nhất hồi tháng 3-2020, bế tắc tiếp tục lặp lại khi không đảng nào hội đủ số phiếu cần thiết để tự lập chính phủ. Trong nỗ lực khó khăn nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị, đảng Likud và đảng Xanh - Trắng đã đạt thỏa thuận thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực. Theo thỏa thuận, vị trí thủ tướng được luân phiên, do ông Netanyahu đảm nhiệm đến tháng 10-2021 trước khi ông Gantz tiếp quản. 

Tuy nhiên, chính phủ chia sẻ quyền lực luôn trong tình trạng bấp bênh do thiếu lòng tin lẫn nhau và bất đồng trong vấn đề ngân sách. Bế tắc trong liên minh cầm quyền khiến Israel buộc phải lùi thời hạn thông qua ngân sách thường kỳ vào tháng 8 hằng năm thêm 100 ngày, để hai bên có thời gian đàm phán đi đến đồng thuận. Tuy nhiên, qua hạn chót mới là đêm 22-12, bất đồng vẫn không được giải tỏa; kết quả là Quốc hội phải giải thể theo luật định, để tổ chức bầu cử sớm. Để tránh việc phải “đóng cửa” do thiếu ngân sách chính thức, Chính phủ Israel đã thông qua đề xuất của Bộ Tài chính nhằm gia hạn ngân sách chi tiêu tạm thời.

Cuộc tổng tuyển cử trước hạn tới đây sẽ là cuộc bầu cử thứ tư tại Israel trong chưa đầy hai năm. Dự kiến, cuộc bầu cử có thể được tổ chức sớm nhất vào ngày 23-3-2021, trong bối cảnh Israel đối mặt nhiều thách thức. Với hơn 380.000 người mắc bệnh, hơn 3.000 ca tử vong, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Israel, gây tác động nghiêm trọng về kinh tế - xã hội. Ngân sách quốc gia không được nhất trí càng đẩy kinh tế Israel vốn khó khăn càng thêm chật vật. Dự báo, GDP cả năm 2020 của Israel giảm mức 4,5%; tỷ lệ thất nghiệp lên mức 12,1%. 

Thủ tướng B.Netanyahu được cho là sẽ đối mặt nhiều rủi ro trong lần tái tranh cử tới đây. Đó là, vừa phải xoa dịu sự bất bình của người dân về cách thức chính phủ ứng phó dịch bệnh chưa hiệu quả, vừa phải tiếp tục chống chọi các nỗ lực cáo buộc nhằm vào cá nhân thủ tướng, thậm chí là một phiên tòa xét xử về tội tham nhũng. 

Chính phủ chia sẻ quyền lực, vốn được xem như giải pháp hài hòa tại Israel sau ba lần bầu cử mà không có một bộ máy điều hành hiệu quả. Sự sụp đổ liên minh cầm quyền lần này càng cho thấy, không thể loại trừ kịch bản khủng hoảng chính trị tiếp tục lặp lại sau cuộc bầu cử lần thứ tư tới đây.