Không bên nào hưởng lợi

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa “bật đèn xanh” cho Mỹ đánh thuế hàng hóa của Liên hiệp châu Âu (EU) trị giá 7,5 tỷ USD mỗi năm, nhằm trả đũa việc khối này trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Airbus. Các nước EU, trong đó có Pháp, cũng đã rục rịch đe dọa trừng phạt để đáp trả Washington. Mọi động thái đều có thể đẩy tranh chấp thương mại trở nên căng thẳng và gây thiệt hại cho mỗi bên.

Biếm họa của DI SERRANO
Biếm họa của DI SERRANO

Vụ kiện bắt nguồn từ tranh cãi giữa hai nhà sản xuất máy bay dân dụng lớn nhất thế giới là Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ. Hai hãng này liên tục bám đuổi nhau về doanh thu, đồng thời cũng luôn chỉ trích nhau về chất lượng và tố cáo đối thủ nhận được sự trợ giúp không công bằng từ chính phủ. Các cáo buộc ở WTO đã diễn ra từ năm 2004, khi đó Washington đã đề nghị WTO cho phép đánh thuế nhằm vào hàng hóa của EU với cáo buộc khối này viện trợ trái phép cho Airbus.

Trong năm 2010 và 2011, WTO đã ra phán quyết rằng cả hai nhà sản xuất đều nhận được hỗ trợ bất hợp pháp trong một số lĩnh vực. Thế nhưng, những tranh cãi quanh việc thực thi thì vẫn chưa chấm dứt. Chẳng hạn, phán quyết vừa qua của tổ trọng tài WTO liên quan cáo buộc từ năm 2018 của Washington, cho rằng EU đã không chấp hành phán quyết và tái diễn trợ cấp cho hai dòng máy bay A350 và “siêu máy bay” A380 của Airbus.

Đổi lại, Brussels cũng đã nhiều lần tố cáo Mỹ trợ giá cho Boeing thông qua các hợp đồng với chính phủ và chính sách giảm thuế. EU hiện đề nghị WTO cho đánh thuế khoảng 10 tỷ USD hàng hóa Mỹ và chỉ ra rằng Mỹ vẫn không ngừng giảm thuế cho Boeing bất chấp phán quyết của trọng tài WTO. Dự kiến, WTO ra quyết định về cáo buộc của EU nhằm vào Boeing vào năm 2020.

Cả hai hãng Boeing và Airbus đều có khách hàng ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Hãng hàng không Delta của Mỹ là một khách hàng lớn của Airbus, trong khi ở châu Âu, Ryanair và Lufthansa đã ký hàng loạt hợp đồng mua máy bay Boeing. Bởi vậy, việc liên tục áp thuế và cáo buộc trả đũa nhau giữa Washington và Brussels khiến cả hai bên đều thiệt hại. Các nhà kinh tế Mỹ đã thừa nhận thuế quan có thể làm ảnh hưởng một số cơ sở lắp ráp máy bay Airbus đặt tại Mỹ và đe dọa lấy mất đi một lượng lớn việc làm của người dân nước này.

Ở châu Âu, tổn thất đã vượt ra ngoài lĩnh vực hàng không dân dụng khi theo bản danh sách của Đại diện Thương mại Mỹ, các sản phẩm bị đánh thuế sau phán quyết của WTO vừa qua sẽ bao gồm các máy bay của Airbus, rượu vang, túi xách, phô-mai… Mức thuế 7,5 tỷ USD/năm cũng là số thuế lớn nhất từng được WTO thông qua. Giới chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp diễn hơn một năm qua, việc Mỹ tăng thuế đối với EU dự báo sẽ dẫn tới những mức thuế đáp trả khác của EU và đặt ra nhiều thách thức mới đối với các doanh nghiệp và thị trường tài chính toàn cầu.

Việc trả đũa lẫn nhau bằng các biện pháp thuế quan đã gây tốn kém cho nền kinh tế thế giới, thậm chí đe dọa một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn giữa hai bên. Hôm 3-10 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Mỹ nếu như Washington không giải quyết tranh cãi liên quan tập đoàn Airbus. Trong khi đó, với tính cách của mình, các nhà quan sát cũng lo ngại Tổng thống Mỹ Donal Trump sẽ tiếp tục dùng “cây gậy” áp thuế nhập khẩu để đối đầu với EU.

Tranh chấp đã kéo dài gần 15 năm qua, song cho đến nay không bên nào đồng ý ngồi vào bàn đàm phán để hướng tới một bộ quy tắc và kỷ luật chung mà cả Mỹ và EU đều có thể tuân thủ. Vấn đề cơ bản trong tranh chấp này là xây dựng các điều khoản thương mại mới theo một hệ thống minh bạch mà cả hai phía đều có thể thi hành được, để tránh các hành động pháp lý theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Những diễn biến mới nhất đang thổi bùng các tranh chấp thương mại cũ và đẩy hai bên vào một cuộc chiến đã rõ kết quả: không bên nào hưởng lợi và đều thiệt hại như nhau.