Khởi đầu mới

Ở Thủ đô London của Anh, không có các sự kiện rầm rộ, không có hồi chuông từ tháp đồng hồ Big Ben ghi dấu thời khắc lịch sử. Song, ngày 31-1-2020 vẫn là cột mốc quan trọng khi nước Anh chính thức rời đi, chấm dứt mối quan hệ gắn bó nhưng nhiều sóng gió với Liên hiệp châu Âu (EU) suốt 47 năm. Đây cũng là thời điểm khởi đầu một mối quan hệ đối tác mới, bình đẳng và bền vững.

Biếm họa của STEPHANE PERAY
Biếm họa của STEPHANE PERAY

Sau khi văn bản cuối cùng về Brexit hôm 30-1 được phê chuẩn, Hội đồng châu Âu (EUC), gồm lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU, ra tuyên bố ngắn gọn: Kể từ 23 giờ ngày 31-1-2020 (giờ Anh), tức 0 giờ ngày 1-2-2020 (giờ Trung Âu) và trở về sau, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland không còn là một quốc gia thành viên EU.

Tại phiên họp thông qua thỏa thuận Brexit, các nghị sĩ Anh và châu Âu đã cùng nhau hát vang giai điệu “Auld Lang Syne”, bài dân ca truyền thống trong dịp chia tay năm cũ, chào năm mới, để thay lời từ biệt của EU với “xứ sở sương mù”. Trong bài báo viết chung, ba lãnh đạo EU là Chủ tịch EUC Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli khẳng định, EU sẽ xây dựng mối quan hệ bền chặt với Anh trên tinh thần đối tác và bạn bè thân thiết; EU sẽ nhớ nước Anh và nước Anh mãi là một phần đặc biệt của châu Âu.

Người dân châu Âu kỷ niệm dấu mốc lịch sử của châu lục trong thế kỷ 21 trong tâm trạng buồn vui đan xen. Đến sát “giờ G”, tại London vẫn còn một vài đám đông tụ tập bên ngoài tòa nhà Hạ viện, hát vang bài hát ủng hộ hội nhập châu Âu, ủng hộ nước Anh ở lại EU. Còn trên quảng trường lớn ở Thủ đô Brussels của Bỉ, rất đông người tập trung theo dõi màn trình chiếu ánh sáng nghệ thuật, như lời chia tay lưu luyến với nước Anh.

Brexit đã khép lại chặng đường hơn ba năm với nhiều căng thẳng và mệt mỏi cho cả Anh lẫn EU, đồng thời mở ra giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới ngày 31-12-2020 và dự kiến cũng không ít cam go, khi hai bên đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương. Trong giai đoạn quá độ 11 tháng này, Anh tiếp tục áp dụng luật pháp của EU, được hưởng các quyền lợi cũng như vẫn gánh những nghĩa vụ khi còn là thành viên của khối, gồm cả đóng góp ngân sách. Không còn là công dân EU, song người Anh vẫn được tự do đi lại giữa các nước thành viên EU; các nghị sĩ Anh phải rời EP; các đại diện Anh không còn ghế tại các cuộc họp, không còn tiếng nói trong các cơ quan của EU...

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là mục tiêu hoàn tất một thỏa thuận toàn diện về quan hệ thương mại hai bên, trong khoảng thời gian đàm phán chưa đầy một năm. Gần 50 năm hội nhập, gắn kết giữa Anh và EU đã rất sâu rộng và phức tạp, vì thế một thỏa thuận về quan hệ đối tác mới phải bao quát rất nhiều lĩnh vực, từ thương mại hàng hóa và dịch vụ, từ quyền tự do đi lại đến các vấn đề lao động, môi trường, an ninh... Sự khác biệt, mâu thuẫn về quan điểm và lợi ích giữa hai bên khiến triển vọng đạt một thỏa thuận toàn diện như vậy gần như là “bất khả thi”.

Trong đàm phán “hậu Brexit” sắp tới, cái khó nhất với nước Anh là làm sao giành được quyền tiếp cận cao nhất với thị trường chung của EU, song vẫn bảo đảm sự độc lập, chủ quyền quốc gia, nhất là trong việc kiểm soát biên giới và dòng người lao động từ các nước EU vào Anh. Còn với EU, mối bất an nhất là từ quan điểm của London muốn “dứt bỏ hoàn toàn” với EU để theo đuổi mô hình phát triển mới. Lo ngại nước Anh có thể xa rời các chuẩn mực ngặt nghèo về môi trường và lao động, EU đề cao quan điểm “sân chơi bình đẳng”, nhằm buộc London không hạ thấp các tiêu chuẩn của châu Âu, qua đó lôi kéo các đối tác thương mại ngoài châu lục.

Khẳng định đạt thỏa thuận với EU vào cuối năm nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn thừa nhận cần có “kế hoạch dự phòng”. Ông Johnson có quyền đề xuất kéo dài thời gian chuyển tiếp, song làm vậy chẳng khác nào tự đánh mất uy tín. Câu chuyện Brexit của “xứ sở sương mù” trên thực tế vẫn chưa thật sự đi tới hồi kết.