Khe cửa hẹp

Trải qua tiến trình dài nhiều trắc trở, cuộc chia tay của nước Anh với Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đem đến nhiều cung bậc cảm xúc. Niềm hân hoan chưa kịp lắng khi London và Brussels thông qua thỏa thuận mới một cách chóng vánh, thì nỗi lo đã trở lại bởi văn bản thứ hai về Brexit này chưa thể đi qua “khe cửa hẹp” là Hạ viện Anh. Không phải giải pháp tốt nhất và đạt đồng thuận, song lùi ngày rời đi đang là phương án được đề cập nhiều nhất lúc này.

Biếm họa của FRANCISCO
Biếm họa của FRANCISCO

Niềm hy vọng lớn đặt vào phiên họp đặc biệt của Hạ viện Anh hôm 19-10, cuộc họp ngày cuối tuần đầu tiên của Nghị viện “xứ sở sương mù” trong 37 năm qua. Song, quyết định của các nghị sĩ Anh trong ngày “siêu thứ bảy” này đã không đáp ứng điều được chờ đợi, đó là đặt dấu mốc lịch sử cho cuộc chia tay nhiều trắc trở của nước Anh với “mái nhà chung” EU. Với tỷ lệ 322 phiếu thuận và 306 phiếu chống, Hạ viện Anh đã chấp thuận hoãn bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit mà chính quyền Luân Đôn và giới chức ở Brusells đạt được chỉ hai ngày trước đó.

Quyết định gây thất vọng nêu trên của Hạ viện Anh đã “giội gáo nước lạnh” vào niềm hân hoan của Thủ tướng Boris Johnson và Chính phủ Anh cùng EU, nhất là với bản thỏa thuận mới mà hai bên đạt được sau cuộc đàm phán thần tốc, với sự đồng thuận bất ngờ. Đạt được sau năm ngày thương lượng không ngừng nghỉ, thỏa thuận Brexit mới rõ ràng là nỗ lực vượt bậc của cả Chính phủ Anh và EU, nếu so khoảng thời gian 18 tháng nhọc nhằn hai bên đã phải trải qua để có được bản thỏa thuận đầu tiên năm 2018.

Thỏa thuận Brexit sửa đổi cơ bản giữ lại các nội dung trong văn bản dài 600 trang mà các lãnh đạo EU và cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã ký. Hai bên chỉ điều chỉnh một số quy định pháp lý liên quan vấn đề hải quan, thuế giá trị gia tăng (VAT) và quyền phủ quyết của Bắc Ireland thuộc Anh, đồng thời sửa đổi nội dung “tuyên bố chính trị”, làm rõ hơn mối quan hệ tương lai giữa EU và Vương quốc Anh. Điểm mấu chốt giúp phá vỡ bế tắc là “điều khoản chốt chặn đã được loại bỏ. Để không tạo ra “biên giới cứng” trên đảo Ireland và bảo đảm sự toàn vẹn thị trường đơn nhất của EU, thỏa thuận mới áp dụng “quy chế hải quan kép” và duy trì các quy định của EU về VAT tại Bắc Ireland; Vương quốc Anh vẫn ở lại Liên minh Hải quan và thị trường chung châu Âu trong giai đoạn chuyển tiếp Brexit...

Tuy nhiên, việc Hạ viện Anh lùi ngày bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit, dự kiến tới ngày mai (22-10), đồng nghĩa Thủ tướng Johnson buộc phải thực thi đạo luật trước đó đã được Hạ viện thông qua là đề xuất trì hoãn Brexit. Một ngày sau khi Hạ viện từ chối bỏ phiếu thông qua thỏa thuận, Thủ tướng Johnson đã gửi đề xuất tới giới lãnh đạo EU, song vẫn tuyên bố giữ nguyên cam kết đưa Anh rời EU đúng hạn vào ngày 31-10 tới. Đáng chú ý, ông Johnson gửi tới EU hai bức thư: Trong thư thứ nhất, Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn đàm phán theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon tới ngày 31-1-2020, nghĩa là trì hoãn Brexit thêm ba tháng theo đúng yêu cầu trong đạo luật đã được Hạ viện Anh thông qua. Tuy nhiên, ông Johnson không ký tên vào thư này, mà chỉ ký thư thứ hai, trong đó kèm thêm bình luận gay gắt, coi việc gia hạn Brexit theo yêu cầu của Hạ viện Anh là “sai lầm lớn”.

EU thông báo đã nhận thư đề nghị gia hạn Brexit từ Chính phủ Anh, song yêu cầu London nhanh chóng làm rõ các bước đi tiếp theo. Diễn biến khó lường trên chính trường Anh đặt EU vào thế khó. Theo giới quan sát, có ít khả năng EU từ chối gia hạn Brexit, bởi lẽ họ không ủng hộ “Brexit cứng” và cũng không muốn bị đổ lỗi là nguyên nhân của kịch bản tồi tệ này. Có thể, giải pháp “gia hạn kỹ thuật”, tức là chỉ kéo dài một tháng, sẽ được lựa chọn để Hạ viện Anh có thêm thời gian thảo luận và thông qua thỏa thuận Brexit.

Với Thủ tướng Johnson, “đà chiến thắng” sau thỏa thuận vào phút chót với EU bị bỏ lỡ, song cơ hội vượt qua “khe cửa hẹp” để thực hiện Brexit đúng hạn chưa phải đã hết, nếu tuần này Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit.