Hòa bình mong manh

Ngay trước vòng đàm phán mới với lực lượng Taliban, Chính phủ Mỹ tiết lộ kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, được cho là đáp ứng yêu sách của Taliban về một “lộ trình rời đi” của các lực lượng nước ngoài. Dù có thể khích lệ cuộc đàm phán mà cả Mỹ và Taliban đều tuyên bố là đang tiến rất gần một thỏa thuận, song bước đi mới của Nhà trắng vẫn chưa đủ để bảo đảm hòa bình bền vững cho quốc gia Nam Á này.

Biếm họa của MIKAIL ÇIFTÇI
Biếm họa của MIKAIL ÇIFTÇI

Theo tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tuần, Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị cắt giảm số lượng binh sĩ Mỹ tại Afghanistan trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới của nước Mỹ. Điều này đồng nghĩa, mốc thời gian mới nhất mà Nhà trắng đưa ra cho lộ trình rút quân khỏi chiến trường Nam Á là trước tháng 11-2020. Bộ trưởng Pompeo còn khẳng định, kế hoạch nêu trên nhằm thực thi chiến lược Nam Á mà chính quyền Mỹ đưa ra hồi tháng 8-2017, trong đó Tổng thống Trump cho rằng nước Mỹ nên sớm kết thúc “cuộc chiến dai dẳng” ở Afghanistan, vốn đã bước sang năm thứ 19 và đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.400 binh sĩ và tiêu tốn hơn 900 tỷ USD ngân sách của “xứ cờ hoa”.

Thông tin về lộ trình rút quân của Mỹ được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Pompeo và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani có cuộc điện đàm. Trong đó, hai bên nhất trí đẩy nhanh các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột, sớm khôi phục hòa bình thật sự tại Afghanistan. Khẳng định cam kết của Nhà trắng thực hiện lộ trình rút quân phù hợp tình hình thực tế, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đồng thời bày tỏ lạc quan về kết quả đàm phán giữa Mỹ với Taliban, cũng như về khả năng đối thoại trực tiếp giữa lực lượng này với chính quyền Kabul.

Nhà trắng tiết lộ về kế hoạch rút quân chỉ vài ngày sau khi đại diện Văn phòng của Taliban ở Qatar thông báo, các cuộc đàm phán giữa Taliban với Mỹ tại quốc gia Trung Đông này đạt kết quả khả quan, thậm chí hai bên còn “tiến rất gần” một thỏa thuận, sau vòng đối thoại mới nhất kết thúc hôm 9-7 và được cả hai bên đánh giá là rất hiệu quả. Taliban khẳng định “đã sẵn sàng” cho một thỏa thuận hòa bình, chỉ cần Mỹ đưa ra lộ trình cụ thể, linh hoạt và có thể chấp thuận được cho việc rút lực lượng quân sự khỏi Afghanistan. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ được nối lại tại Qatar trong vài ngày tới.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Tổng thống Trump từng cam kết sẽ sớm rút binh sĩ Mỹ và chấm dứt “cuộc chiến không hồi kết” ở chiến trường Nam Á này. Tuy nhiên, khi lên nắm quyền, lãnh đạo Nhà trắng lại cử thêm lực lượng tới tham chiến, đưa tổng số binh sĩ Mỹ hiện đồn trú tại Afghanistan lên 14.000 người. Số binh sĩ Mỹ này hoạt động trong thành phần phái bộ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ các lực lượng Afghanistan, hoặc tiến hành những chiến dịch chống khủng bố riêng rẽ. Năm ngoái, chính quyền Mỹ khởi động đàm phán với Taliban hướng tới một thỏa thuận hòa bình cho Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất của quân đội Mỹ ở nước ngoài. Trải qua nhiều vòng đàm phán, Mỹ đã đồng ý rút quân, nhưng kèm điều kiện Taliban cam kết ngăn chặn các nhóm khủng bố, như al-Qaeda hay tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm căn cứ hoạt động và tiến công các nước khác, nhất là Mỹ. Đồng thời, Taliban tham gia tiến trình hòa giải, đối thoại với mọi lực lượng chính trị tại Afghanistan, gồm cả chính quyền Kabul.

Những bước đi và tuyên bố mới nhất của các bên liên quan có thể xem là khá tích cực, nhen lên hy vọng mới cho hòa bình tại Afghanistan. Song, ngay cả khi Mỹ và Taliban đạt một thỏa thuận như vậy, thì đó cũng chỉ mới là bước đi đầu trong tiến trình hòa bình nhiều gian nan. Đây không phải lần đầu chính quyền Mỹ công bố kế hoạch rút quân, trong khi Taliban luôn đòi hỏi một “lộ trình rõ ràng” để lực lượng nước ngoài rời khỏi quốc gia Nam Á. Tuy nhiên, mấu chốt khó khăn vẫn là việc Taliban chưa chấp thuận đối thoại trực tiếp với chính quyền Kabul, điều được xem là một yếu tố then chốt trong tiến trình hòa giải ở Afghanistan.

Triển vọng hòa bình của Afghanistan càng mong manh hơn, khi Taliban vẫn không ngừng các hành động bạo lực. Dù tích cực đàm phán với Mỹ, lực lượng này vẫn thực hiện các vụ đánh bom, tiến công khủng bố liên tục trên khắp đất nước, nhằm lực lượng an ninh và những cơ sở công quyền.