Hiểm họa thường trực

Một báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang lợi dụng việc Mỹ rút quân để hồi sinh ở Syria và củng cố lực lượng ở quốc gia láng giềng Iraq. Báo cáo trên cho thấy hiểm họa khủng bố luôn rình rập và chờ thời cơ trỗi dậy.

Biếm họa của EMAD HAJJAJ
Biếm họa của EMAD HAJJAJ

Lầu năm góc cho biết, IS có dấu hiệu tập hợp lại lực lượng ở Iraq và đang “hồi sinh” ở Syria trong những tháng gần đây. Theo đó, các tay súng cực đoan IS đã thực hiện một số vụ ám sát, phục kích và tiến công liều chết có chủ đích ở Syria và Iraq. Báo cáo cũng quan ngại IS có khả năng “thiết lập một trung tâm chỉ huy và một trung tâm hậu cần để phối hợp tiến hành các cuộc tiến công”.

IS từng chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria từ năm 2014 trong bối cảnh các nước này rơi vào bất ổn nhiều năm liên tục. Ở thời kỳ cao điểm, các tay súng thậm chí còn thu được nguồn tài chính dồi dào nhờ chiếm đoạt các giếng dầu, thành phố chiến lược và từ đó vươn “chân rết” sang các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, nhờ sự hậu thuẫn của các lực lượng quốc tế, quân đội Chính phủ Syria và Iraq đã dần đẩy lùi và quét sạch IS.

Tại Syria, Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad với sự trợ giúp của Nga đã giải phóng và giành lại quyền kiểm soát hai phần ba lãnh thổ. Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) và nhóm vũ trang người Kurd được Mỹ hậu thuẫn cũng đánh đuổi IS khỏi khu vực đông bắc Syria kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, các lực lượng an ninh Iraq đã tuyên bố giải phóng hoàn toàn những địa phương từng bị IS chiếm đóng hồi cuối năm 2017.

Tuy nhiên, trên thực tế, giới phân tích cho rằng các nhóm nhỏ lẻ của IS vẫn tồn tại ở hai quốc gia Trung Đông nói trên, và vẫn là mối đe dọa an ninh đáng lo ngại kể cả khi đã bị đánh bại trên thực địa. Quân đội Mỹ gần đây tiết lộ thông tin cho thấy thủ lĩnh IS là Al-Baghdadi đang ẩn náu ở khu vực biên giới Iraq với Syria. Lực lượng an ninh Iraq cũng báo cáo về những nhóm IS trà trộn vào dân thường tại các làng mạc hẻo lánh và vùng ngoại ô, thực hiện nhiều vụ xả súng bất ngờ, bắt cóc dân thường tại các thành phố rải rác ở Iraq.

Ngoài ra, một số nhóm tay súng IS đang cố thủ tại vùng sa mạc rộng lớn ở miền trung Syria để tránh sự truy quét của quân đội chính phủ, cũng chờ cơ hội để tiến hành các vụ tiến công nhỏ lẻ. Theo Business Insider, giới chức Damas và Baghdad cần sớm loại trừ những nguồn thu tài chính mới của các thành viên IS nhằm “tái sinh” tổ chức khủng bố này. Chúng có thể bắt cóc đòi tiền chuộc hay tiến công phá hoại các công trình đang tái thiết ở cả hai quốc gia để âm thầm thiết lập các cơ sở mới. Liên minh quân sự chống IS do Mỹ dẫn đầu tin rằng hiện còn khoảng 14.000 đến 18.000 tay súng IS tại Iraq và Syria, trong đó khoảng 3.000 phần tử là người nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, việc Washington đang hoàn tất rút một phần binh sĩ khỏi Syria cũng gây ra những tranh cãi, do mâu thuẫn của giới chức Mỹ trong vấn đề duy trì sự hiện diện quân sự ở khu vực này. Trên thực tế, từ tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố đánh bại hoàn toàn IS tại Syria sau gần một năm tăng cường các chiến dịch không kích và thông báo rút dần binh sĩ về nước. Quyết định này cũng nhận được sự ủng hộ của dư luận trong nước trước lo ngại Mỹ “sa lầy” ở Syria. Nhưng một bộ phận quan chức quốc phòng lại lo ngại việc quân đội Mỹ rút khỏi khu vực trong khi lực lượng địa phương chưa đủ khả năng phòng vệ, có thể tạo điều kiện cho khủng bố trỗi dậy.

Ở cả Syria và Iraq, cuộc chiến chống khủng bố đang bước vào giai đoạn cuối. Trước đây, IS nhắm đến mục tiêu chiếm giữ lãnh thổ ở quy mô lớn, hiện nay tổ chức khủng bố này chỉ đủ khả năng tiến hành các vụ tiến công nhỏ lẻ vào lực lượng an ninh và dân thường ở hai nước. Dù vậy, nếu Damas và Baghdad không nỗ lực tăng cường nội lực nhằm giảm bớt phụ thuộc sự hậu thuẫn bên ngoài, thì rất khó để nhổ tận gốc những mầm mống của khủng bố.