Hệ lụy khó lường

Không còn là lời đe dọa, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cuộc tiến công nhằm vào một số khu vực ở đông bắc Syria. Cộng đồng quốc tế coi đây là hành động liều lĩnh của Ankara, bởi bất cứ một hành vi gây hấn quân sự nào cũng có thể gây thêm bất ổn cũng như tạo điều kiện để những mầm mống khủng bố, cực đoan trỗi dậy ở quốc gia Tây Á này.

Biếm họa của LISA
Biếm họa của LISA

Đài FM Sham của Syria đưa tin, pháo binh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rạng sáng 8-10 đã bắn phá một số vị trí của các lực lượng vũ trang người Kurd ở tỉnh Raqqa, miền bắc Syria. Trước đó vài giờ, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã mở những cuộc không kích nhằm vào các lực lượng người Kurd ở khu vực đông bắc Syria. CNN dẫn nguồn tin chính quyền tỉnh Hasakah cho biết, các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất kích và tiến công một căn cứ quân sự của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cũng như một số mục tiêu người Kurd khác ở tỉnh này.

Trước khi mở các cuộc tiến công, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo nước này sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự trên không và trên bộ ở phía đông bắc Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ chưa thành lập được cái gọi là “vùng an toàn” mà hai bên đã lên kế hoạch. “Vùng an toàn” tại miền bắc Syria, theo như tuyên bố của Ankara, nếu được thiết lập có thể cho phép tới hai triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi hương. Hiện có hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ, con số cao nhất trên thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ dự định xây dựng các thị trấn bên trong “vùng an toàn” dự kiến rộng 32 km2, với chi phí khoảng 27 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Erdogan từng tuyên bố rằng mức độ kiên nhẫn của nước này trước sự trì hoãn của Washington đã hết, và đó có thể là lý do dẫn đến chiến dịch quân sự nói trên.

Tuy vậy, theo nhận định của giới quan sát, mục tiêu thật sự của chiến dịch tiến công nói trên là nhằm triệt tiêu các lực lượng người Kurd ở Syria, đặc biệt là Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và SDF - tập hợp người Kurd ở Syria. YPG dù được Mỹ hậu thuẫn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại coi đây là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara đặt ngoài vòng pháp luật, thậm chí bị coi là một tổ chức khủng bố. Nhiều năm qua, PKK luôn đi đầu trong phong trào đòi quyền tự trị cho người Kurd, dẫn đến xung đột lan rộng giữa Ankara với các nhánh của người Kurd ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và những quốc gia láng giềng, trong đó có Syria.

Vì thế, “vùng an toàn” mà Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố muốn thành lập cũng được xem là “vùng đệm” giúp Ankara bước đầu thiết lập căn cứ quân sự tại Syria, nhằm mục đích chống lại các lực lượng người Kurd về lâu dài. Song, ý đồ lập “vùng an toàn” của Ankara kéo theo chiến dịch quân sự kể trên đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Syria. Damas cực lực lên án, coi đây là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Không chỉ Damas, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên tại Syria kiềm chế tối đa, còn Liên hiệp châu Âu (EU) cảnh báo một chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào các lực lượng người Kurd sẽ gây tổn hại cho dân thường và dẫn tới làn sóng tị nạn mới, đồng thời cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ hoạt động nào của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền bắc Syria. Trong khi đó, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa hủy hoại nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara xúc tiến kế hoạch tiến công quân sự tại Syria, song Nhà trắng đồng thời thông báo quyết định rút 50 binh sĩ Mỹ khỏi khu vực đông bắc Syria, động thái được đánh giá là “bật đèn xanh” để Ankara đưa quân vào Syria.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria được xem là một động thái nguy hiểm, bởi không những đe dọa hòa bình và ổn định ở quốc gia Tây Á vốn đang từng bước được khôi phục, mà còn khiến tàn dư khủng bố của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể lợi dụng sự bất ổn để hồi sinh. Đó mới chỉ là những rủi ro trước mắt, và một khi sự can thiệp quân sự đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng thì sẽ gây ra những hệ lụy khó lường.