Hành động “quay lưng”

Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump chấm dứt quan hệ giữa Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lập tức bị chỉ trích mạnh mẽ. Việc Mỹ ngoảnh mặt với tổ chức giữ vai trò dẫn dắt nỗ lực toàn cầu chống dịch đã giáng đòn mạnh vào hợp tác quốc tế, vốn rất cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại.

Biếm họa của CAI MENG
Biếm họa của CAI MENG

Quyết định cắt quan hệ với WHO được Tổng thống Trump công bố hôm 29-5, với lý do WHO đã không thực hiện cải cách mà Mỹ yêu cầu và cho là vô cùng cần thiết. Tổng thống Trump cũng cho biết, Washington sẽ chuyển các khoản cam kết đóng góp cho WHO sang hỗ trợ các nhu cầu y tế công cộng cấp bách khác trên toàn cầu. Ông Trump không nêu thời điểm quyết định đình chỉ quan hệ Mỹ - WHO có hiệu lực. Song, nghị quyết của Quốc hội Mỹ năm 1948 về tư cách thành viên WHO quy định rằng, một năm sau khi thông báo chính thức, Mỹ mới chính thức rút khỏi tổ chức này. Theo một đặc quyền mà Washington yêu cầu khi gia nhập WHO, Mỹ là thành viên duy nhất được phép rời WHO một cách hợp pháp.

Thời điểm Tổng thống Trump thông báo quyết định trên được cho là bất ngờ, khi “hạn chót” Mỹ đặt ra để WHO tiến hành cải cách còn chưa kết thúc. Trong thư gửi Tổng Giám đốc WHO đề ngày 18-4 vừa qua, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố WHO có 30 ngày để “sửa sai”, trước khi Washington cắt toàn bộ tài trợ và cân nhắc rút khỏi tổ chức này. Trước đó, hôm 14-4, Tổng thống Trump tuyên bố “đóng băng” các khoản đóng góp cho WHO trong thời gian điều tra, đánh giá cách thức WHO ứng phó dịch Covid-19 mà Washington cáo buộc là “thất bại”.

Những ý kiến phản đối ý định của ông Trump dồn dập dấy lên cả trong và ngoài nước Mỹ. Phe Dân chủ tại Mỹ cảnh báo “hành động ngay” để chặn kế hoạch của Nhà trắng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định, WHO giữ vai trò quan trọng và cần thiết trong cuộc chiến chống Covid-19; quyết định rút khỏi WHO là vô nghĩa và bất hợp pháp. Theo Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ Lamar Alexander, việc Mỹ rút tài trợ và tư cách thành viên WHO tác động tiêu cực nỗ lực hợp tác về bào chế vaccine phòng Covid-19 và ngăn chặn dịch bệnh ở Mỹ.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến chỉ rõ việc ngừng hợp tác với WHO có thể làm tổn hại chính vị thế và ảnh hưởng của Mỹ. Theo GS Lawrence Gostin, Giám đốc Trung tâm Hợp tác luật y tế toàn cầu thuộc WHO, trong khi WHO tìm cách thúc đẩy đoàn kết, kết nối các nỗ lực chống dịch, thì lãnh đạo Mỹ đã “thổi bay” kỳ vọng về hợp tác quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành. Tạp chí Y học The Lancet đăng ý kiến chung của nhóm năm học giả về y tế toàn cầu cảnh báo, việc cắt quan hệ với WHO sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ về chính sách y tế toàn cầu, tạo cơ hội cho đối thủ của Mỹ gia tăng vị thế. Theo giới chuyên gia thuộc Đại học Johns Hopkins, rời WHO, Mỹ sẽ mất một phương tiện quan trọng trong việc định hình, chỉ dẫn các quy chuẩn và hành động y tế toàn cầu...

WHO chưa có phản ứng chính thức, song trong những tuyên bố trước đó, WHO luôn bác bỏ cáo buộc của Mỹ nói rằng tổ chức này “thông tin sai lệch” về tình hình dịch giai đoạn mới bùng phát. Theo WHO, việc Mỹ cắt tài trợ và dọa rút khỏi WHO trong bối cảnh đại dịch vẫn hoành hành sẽ gây tổn hại cho thế giới và chính người Mỹ. Trong tuyên bố hôm 30-5, Liên hiệp châu Âu (EU) nhắc lại lập trường ủng hộ vai trò của WHO và kêu gọi Mỹ cân nhắc quyết định từ bỏ hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn đại dịch.

Thế giới vẫn đang chật vật nhằm giảm sức tàn phá kinh khủng của dịch Covid-19, động thái “quay lưng” với WHO chẳng khác nào tắt nguồn nước giữa đám cháy đang rực lửa. Việc ngừng hợp tác với WHO ở thời điểm hiện tại càng nguy hiểm, khi tổ chức này đang chủ trì nhiều cuộc nghiên cứu và phát triển vaccine, thuốc điều trị Covid-19.