Giấc mơ ổn định

Cuộc tổng tuyển cử trước hạn tại Tây Ban Nha hôm 10-11 lặp lại kịch bản cũ, khi đảng Xã hội (PSOE) của Thủ tướng tạm quyền Pedro Sanchez giành thắng lợi, song không hội đủ đa số ghế cần thiết tại Quốc hội. Tiến trình thành lập liên minh cầm quyền tiếp tục khó khăn, trong bối cảnh chính trường Tây Ban Nha phân mảng sâu sắc, đòi hỏi thêm nỗ lực để biến giấc mơ ổn định chính trị, khôi phục kinh tế thành hiện thực.

Biếm họa của MARIAN KAMENSKY
Biếm họa của MARIAN KAMENSKY

Kết quả kiểm gần như toàn bộ số phiếu trong cuộc bầu cử cuối tuần trước cho thấy, PSOE dẫn đầu với 120 ghế, giảm so 123 ghế giành được trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 4, đồng nghĩa vẫn chưa đạt thế đa số tại Hạ viện khóa mới gồm 350 ghế. Trong khi đó, đảng bảo thủ Nhân dân (PP) được 88 ghế, tăng so mức 66 ghế hiện tại; và nổi lên là đảng cánh hữu La Vox, với 52 ghế, hơn gấp đôi so 24 ghế trong lần bầu cử trước. Tương quan nêu trên đẩy Quốc hội mới của Tây Ban Nha vào tình trạng “treo” và đưa PSOE trở lại “con đường mòn” quen thuộc là phải thương lượng tìm đối tác lập liên minh cầm quyền.

Giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hồi tháng 4-2019, song đến cuối tháng 9 vừa qua, đảng PSOE của quyền Thủ tướng Sanchez vẫn không thể thành lập được chính phủ mới, khi không thể gạt bỏ được bất đồng nhằm đạt thỏa thuận liên minh cầm quyền với đảng cánh tả Unidas Podemos, khiến Hoàng gia Tây Ban Nha phải quyết định tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới. Ông Sanchez vì thế cũng chưa thể được phê chuẩn trở thành Thủ tướng chính thức.

Cuộc bỏ phiếu hôm 10-11 đã là lần bầu cử lập pháp thứ hai chỉ trong vòng sáu tháng và là cuộc tổng tuyển cử thứ tư trong bốn năm gần đây ở Tây Ban Nha. Nguy cơ “lặp lại kịch bản cũ” đang dấy lên quan ngại chính trường “xứ bò tót” chưa thể thoát bế tắc, các mảnh ghép vẫn rời rạc và một chính phủ đa số ổn định vẫn là mục tiêu không dễ đạt được. Tuy nhiên, hai ngày sau cuộc bầu cử, hy vọng hé mở khi PSOE và đảng Unidas Podemos đã ký thỏa thuận tạm thời về liên minh để lập chính phủ mới.

Đáng chú ý là, hai cuộc bầu cử liên tiếp trong năm 2019 diễn ra trong bối cảnh Tây Ban Nha đang đối mặt vô vàn khó khăn, trong đó nổi bật là triển vọng kinh tế thiếu khả quan và cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát ở vùng Calalunya. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế Tây Ban Nha đang chậm lại, dự kiến ở mức dưới 2% vào năm 2020 và là lần đầu đạt tốc độ thấp như vậy kể từ năm 2014. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức cao thứ hai trong Liên hiệp châu Âu (EU) và có xu hướng tiếp tục tăng. Cùng nguyên nhân kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, tình hình bất ổn ở xứ Catalunya chưa được giải quyết, căng thẳng chính trị gia tăng giữa chính quyền địa phương và lực lượng đòi ly khai với Chính phủ Tây Ban Nha, cũng ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế lớn thứ 5 châu Âu này. Dù tình hình lắng dịu đôi chút, song Catalunya vẫn tiếp tục gây nhức nhối ở Tây Ban Nha.

Có một thực tế là những năm gần đây, nhất là từ năm 2015, Tây Ban Nha hầu như không thể duy trì một chính phủ ổn định sau bầu cử, để triển khai các chính sách khôi phục kinh tế và giải quyết vấn đề nóng ở Catalunya. Trong khi đó, rạn nứt giữa hai chính đảng truyền thống trên chính trường “xứ bò tót” là PSOE và PP ngày càng lớn, bị các đảng nhỏ tận dụng cho mục tiêu trở thành các lực lượng chính trị mới. Phe cánh hữu, dân túy với lập trường bài ngoại cứng rắn lại khai thác triệt để những lỗ hổng trong chính sách nhập cư để tìm kiếm sự ủng hộ của người dân, thách thức sức ảnh hưởng của các đảng truyền thống. Chính trường Tây Ban Nha vì thế ngày càng chia rẽ, thậm chí phân mảng sâu sắc.

Trong bối cảnh nêu trên và để giải quyết những vấn đề gai góc, đòi hỏi Tây Ban Nha sớm có một chính phủ ổn định, có đầy đủ năng lực và quyền hạn. Và đó cũng là bài toán khó mà Thủ tướng tạm quyền Pedro Sanchez sẽ phải chật vật tìm lời giải để đưa quốc gia trên bán đảo Iberia này hướng tới sự ổn định chính trị và tìm kiếm tốc độ tăng trưởng kinh tế mới.