“Định vị” quan hệ đối tác

Hội nghị cấp cao lần thứ 22 vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến, là cơ hội để Liên hiệp châu Âu (EU) và Trung Quốc “định vị” lại mối quan hệ đối tác vốn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu với cả hai bên. Song, quan điểm khác biệt và bất đồng trong nhiều vấn đề, cả thương mại lẫn chiến lược, tiếp tục tạo ra thách thức với mục tiêu cân bằng lợi ích.

Tranh: STEFANSACK
Tranh: STEFANSACK

Hội nghị cấp cao EU - Trung Quốc lần thứ 22 là cuộc đối thoại đầu tiên trong năm 2020, với mục tiêu thu hẹp khác biệt, tạo thuận lợi trước thềm cuộc gặp cấp cao cuối năm nay, trong đó, Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc dự kiến được ký kết. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng giữa EU và Trung Quốc gia tăng gần đây liên quan tranh cãi về một loạt vấn đề, từ nguồn gốc và cách ứng phó dịch Covid-19, hay luật an ninh quốc gia của Trung Quốc, đến các khoản thuế EU áp đặt bổ sung với doanh nghiệp Trung Quốc... Những quan điểm cứng rắn, động thái đáp trả lẫn nhau đã “phủ bóng” lên mối quan hệ chiến lược mà cả hai bên đều xác nhận có ý nghĩa quan trọng bậc nhất.

Cả EU và Trung Quốc đều có “động lực” để cải thiện quan hệ hai bên. Tại hội nghị cấp cao cuối năm 2019, hai bên đặt thời hạn một năm để ký Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc, với mục tiêu tạo “sân chơi bình đẳng” và cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp hai phía. Tuy nhiên đến nay, dự thảo văn kiện đầy tham vọng này vẫn chưa được hoàn tất. Trung Quốc cam kết thúc đẩy ký kết đúng kế hoạch, trong khi EU vẫn nghi ngại đàm phán chưa đạt tiến triển thật sự.

Sau cuộc trao đổi ý kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) cùng Thủ tướng Trung Quốc chủ trì cuộc đối thoại trực tuyến. Hầu hết các “vấn đề nóng” trong hợp tác hai bên về kinh tế - thương mại, kết nối, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an ninh - quốc phòng, các diễn biến trong khu vực và quốc tế, nhất là ứng phó dịch Covid-19, đã được đề cập. Song, nổi bật nhất là các tuyên bố xác nhận lại tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác EU - Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược khốc liệt trên toàn cầu hiện nay.

Bắc Kinh khẳng định, Trung Quốc là đối tác, không phải đối thủ của EU; hai bên không có xung đột mang tính căn bản; hợp tác và nhận thức chung nổi trội hơn bất đồng và cạnh tranh. Trên tinh thần “cầu đồng tồn dị”, Trung Quốc mong muốn thúc đẩy hợp tác với EU trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, gia tăng hiểu biết và tin cậy, mở rộng lợi ích chung và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trên toàn cầu. Trước mắt, trong giai đoạn “hậu Covid-19”, ưu tiên hợp tác phục hồi kinh tế thế giới, bảo đảm thông suốt chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Về dài hạn, tiếp tục phối hợp duy trì hòa bình và ổn định quốc tế, kiên trì ủng hộ và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hoàn thiện năng lực quản trị toàn cầu, gồm cả xử lý vấn đề y tế cộng đồng...

Các nhà lãnh đạo EU cũng nhắc lại rằng, với tư cách hai nền kinh tế lớn của thế giới, EU và Trung Quốc cần duy trì hợp tác, thu hẹp bất đồng và “tái cân bằng” mối quan hệ hai bên, dựa trên sự tin tưởng, minh bạch và nguyên tắc “có đi có lại”. Theo EU, trong bối cảnh thế giới có nhiều nhân tố bất ổn, chỉ hợp tác mới có thể ứng phó và vượt qua thách thức chung; chỉ đối thoại mới giải quyết được mâu thuẫn, loại bỏ được những yếu tố gây bất ổn. EU mong muốn gia tăng đối thoại chiến lược với Trung Quốc, trước mắt trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa Covid-19, phục hồi sản xuất, mở rộng thương mại, thúc đẩy kinh tế số cũng như tăng cường hợp tác trong các vấn đề y tế công, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu...

Theo quan điểm được xác lập trong chiến lược mới cập nhật, EU xác định Trung Quốc là “đối tác hợp tác, đối tác đàm phán, cũng là đối thủ cạnh tranh”. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, đó cũng là thách thức với cả hai bên.