Định hình quan hệ đối tác

Căng sức chống chọi dịch Covid-19 không khiến nước Anh giảm nhẹ nỗ lực tìm kiếm và định hình các mối quan hệ đối tác thời “hậu Brexit”. Cuộc thương lượng với Mỹ được khởi động ngay sau vòng đàm phán với Liên hiệp châu Âu (EU). Một thỏa thuận thương mại với đối tác bên kia Đại Tây Dương sẽ tạo lợi thế cho London trên bàn đàm phán với EU.

Biếm họa của GATIS SLUKA
Biếm họa của GATIS SLUKA

Cuộc thương lượng về thỏa thuận thương mại song phương giữa Anh và EU bắt đầu hôm nay (ngày 11-5), là vòng thứ hai kể từ ngày 20-4 vừa qua, khi hai bên khởi động lại đàm phán sau thời gian dài tạm ngừng do dịch Covid-19. Theo lịch trình, sau cuộc đối thoại trong tuần này, Anh và EU còn tiến hành một vòng đàm phán nữa, với mục tiêu mà cả hai bên ráo riết triển khai, đó là nhất trí được các nội dung cốt yếu nhất trước thềm Hội nghị cấp cao EU tháng 6 tới. Tuy nhiên, trong khi EU lo ngại Anh phải gia hạn giai đoạn chuyển tiếp Brexit, Anh vẫn duy trì mục tiêu đạt thỏa thuận cuối cùng về quan hệ thương mại hai bên trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc cuối năm nay.

Ngay sau khi nối lại thương lượng với EU, hôm 5-5, Anh cũng chính thức khởi động đàm phán với đối tác thương mại quan trọng bậc nhất là Mỹ, trong bối cảnh hai bên đều tỏ rõ thiện chí và kỳ vọng lớn về một thỏa thuận xuyên đại dương, đón đầu các “cơ hội hậu Brexit”. Tại vòng đàm phán đầu tiên, theo hình thức trực tuyến, có tới 100 đại biểu mỗi bên tham dự, dưới sự điều hành của Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh và Đại diện Thương mại Mỹ. Các vòng đàm phán tiếp theo cũng được lên kế hoạch, định kỳ diễn ra sáu tuần một lần và tiếp tục theo hình thức từ xa, cho tới khi dịch Covid-19 được đẩy lùi.

Trong khi bối cảnh không mấy thuận lợi với cả Anh và EU khi nối lại đối thoại, thì cuộc đàm phán giữa Anh và Mỹ lại được khởi động trong bầu không khí lạc quan, khi cả hai bên cùng tin có thể nhất trí, ít nhất là thỏa thuận giai đoạn 1, trước cuối năm nay. Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định thúc đẩy tiến trình đàm phán nhanh nhất, mang tính xây dựng nhất, nhằm đạt một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) tham vọng nhất với đối tác thương mại lớn nhất của “xứ sở sương mù”. Tổng thống Mỹ Donald Trump kỳ vọng đạt thỏa thuận trước tháng 11 tới, điều có thể giúp ông ghi thêm “điểm cộng” trước khi bước vào cuộc bầu cử tổng thống quan trọng tại “xứ cờ hoa”.

Anh và Mỹ từng xác nhận cùng có “lợi ích lớn” từ một FTA song phương. Từ lâu, Thủ tướng Boris Johnson nhận định, FTA với Mỹ là một trong những cơ hội vàng mà London có được khi rời “mái nhà chung EU”, hứa hẹn mang đến “cú huých mạnh mẽ” cho nền kinh tế Anh. Ngay sau khi Thủ tướng Boris Johnson đắc cử hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Donald Trump cũng từng cam kết sẽ ký một FTA chất lượng cao với Anh. Theo lãnh đạo Nhà trắng, đây sẽ là một FTA sinh lời cao hơn bất kỳ thỏa thuận nào mà Anh có thể nhất trí với EU.

Cuộc đàm phán định hình quan hệ đối tác giữa Anh và EU sau Brexit luôn được dự báo là hết sức khó khăn, với một danh sách dài các vấn đề phức tạp, khó nhượng bộ. Tương tự, dù thuận lợi, thì nỗ lực của Anh và Mỹ xây dựng một FTA xuyên đại dương cũng không dễ dàng, khi thỏa thuận này bảo đảm cắt giảm thuế toàn diện, sâu rộng và cùng có lợi, kể cả với những mặt hàng được cho là “nhạy cảm” với an ninh quốc gia và thế độc quyền của mỗi bên. Anh phải chấp thuận các tiêu chuẩn của Mỹ về môi trường và thực phẩm, vốn bị cho là khá lỏng lẻo so các quy định ở châu Âu. Anh cũng phải mở cửa Hệ thống dịch vụ y tế quốc gia (NHS) cho các công ty Mỹ, điều mà London luôn bác bỏ và Tổng thống Donald Trump từng phản ứng trong chuyến thăm Anh năm ngoái, khi bị từ chối đề xuất đưa vấn đề dịch vụ y tế lên bàn đàm phán...

Đến nay, Thủ tướng Anh chưa nhượng bộ trước những lời kêu gọi kéo dài chuyển tiếp để có thêm thời gian đàm phán, bảo đảm đạt một thỏa thuận “hậu Brexit” với EU có lợi nhất cho “xứ sở sương mù”. Vì thế, Anh hy vọng việc thúc đẩy FTA với Mỹ giúp giảm áp lực cho chính quyền London trong các cuộc thương lượng nhiều cam go với EU.