Điểm tựa mới mang tên CETA

Đối mặt sức ép từ mối quan hệ thương mại rạn nứt với Mỹ, cả Liên hiệp châu Âu (EU) và Canada đều buộc phải tìm kiếm những thỏa thuận hợp tác với các đối tác mới. Trong đó, Hiệp định Thương mại & Kinh tế toàn diện EU - Canada (CETA) chính là chỗ dựa để hai bên cân bằng lại lợi ích của mình giữa những xung đột thương mại đang lan nhanh trên quy mô toàn cầu.

Thủ tướng Canada Trudeau (phải) gặp gỡ Chủ tịch EUC Donald Tusk. Ảnh: GLOBAL NEWS
Thủ tướng Canada Trudeau (phải) gặp gỡ Chủ tịch EUC Donald Tusk. Ảnh: GLOBAL NEWS

Theo AP, tại Hội nghị cấp cao EU - Canada vừa kết thúc ở thành phố Montréal (Canada) sau hai ngày nhóm họp vào 17 và 18-7, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận phương thức hợp tác song phương để xây dựng các nền kinh tế đem lại lợi ích cho tất cả người dân, củng cố tầng lớp trung lưu tại Canada và khối 28 quốc gia này. Về kết quả hội nghị, Ottawa đánh giá mối quan hệ đối tác giữa Canada với EU chưa bao giờ phát triển hơn thế, trong bối cảnh hai bên đang chung tay đối mặt những thách thức lớn nhất hiện nay. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC), Donald Tusk nhận định, Canada là đối tác “gần gũi nhất của EU ở bên kia Đại Tây Dương”.

Đáng chú ý, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết, Canada và EU đang tiến gần hơn tới một giải pháp tạm thời nhằm đối phó việc Mỹ ngăn cản bổ nhiệm thẩm phán mới cho Cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Washington cho rằng hệ thống phán xử hiện nay của WTO là chậm chạp, thất thường và không công bằng.

Tại hội nghị cấp cao lần này, Thủ tướng Trudeau và ông Donald Tusk đều nhấn mạnh tầm quan trọng của CETA, khi chỉ trong năm đầu tiên CETA có hiệu lực tạm thời, giá trị trao đổi thương mại hai chiều giữa Canada và EU đã tăng gần 8% so năm trước. CETA có hiệu lực vào tháng 9-2017 và cho đến nay mới chỉ có 13 trong tổng số 28 nước thành viên EU và Canada phê chuẩn hiệp định. Tuy nhiên, quan hệ đối tác giữa hai bên đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ CETA, do hiệp định này đang kiến tạo việc làm tốt và mang đến những cơ hội mới cho người dân Canada, cũng như người dân châu Âu.

Mặc dù chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao EU - Canada lần này bao trùm nhiều vấn đề như chống biến đổi khí hậu, bảo vệ các đại dương và cải cách WTO, nhưng CETA được đánh giá là chủ đề “nóng” nhất tại hội nghị. Theo các chuyên gia kinh tế, việc tiếp tục thúc đẩy hiệp định này sẽ giúp các doanh nghiệp Canada được rộng cửa tiếp cận nửa tỷ người tiêu dùng châu Âu, một thị trường có giá trị khoảng 24.000 tỷ CAD (khoảng 18.420 tỷ USD). CETA cũng đem đến cho Thủ tướng Trudeau cơ hội để “ghi điểm” trong mắt người dân Canada, khi chỉ còn khoảng ba tháng nữa Canada sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử.

Hiện nay, xuất phát từ tâm lý lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như những chính sách bảo hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump, tại hội nghị lần này, Canada và EU đã lên tiếng kêu gọi bảo vệ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật định, với WTO là nòng cốt. Hiện cả EU và Canada đều là những đối tượng áp thuế nhập khẩu mà Tổng thống Trump nhắm tới, nên CETA chính là “cứu cánh” để Brussels và Ottawa sử dụng để đối phó áp lực thuế quan của Mỹ.

Về cơ bản, CETA là một hiệp định thương mại “thế hệ mới”, nghĩa là khác các hiệp định thương mại cổ điển thường tập trung việc điều chỉnh các hàng rào thuế quan thì CETA lại chú trọng việc gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, như các tiêu chuẩn về môi trường, thị trường lao động hay sở hữu trí tuệ... Các hàng rào phi thuế quan này là trở ngại rất lớn cho việc xuất khẩu các sản phẩm của EU vào Canada và ngược lại. Ngoài CETA, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về Hiệp định Đối tác Chiến lược EU - Canada, hiệp định giúp tăng cường quan hệ song phương và làm sâu sắc hơn tiến trình hợp tác giữa hai bên.

Trong bối cảnh làn sóng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng lan rộng khiến nhiều quốc gia đang chuyển dần sang khuynh hướng bảo hộ thương mại trong nước và thận trọng hơn trong thương mại tự do toàn cầu, việc EU và Canada xúc tiến hợp tác mạnh mẽ hơn trong khuôn khổ CETA vô hình trung trở thành xu hướng hợp tác mới, đồng thời là điểm tựa để các nền kinh tế nhỏ hơn chống chọi những biến động kinh tế - thương mại toàn cầu.