Đích đến khó khăn

Các quan chức Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh cuối tuần qua đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại hậu Brexit, nhưng ở vòng đàm phán được xem là cuối cùng này, giữa hai bên vẫn tồn tại bất đồng lớn về quyền đánh bắt cá. Theo đó, EU và “xứ sở sương mù” có nguy cơ cao không đạt thỏa thuận nói trên đúng hạn. Pháp bày tỏ lo ngại đàm phán thương mại Anh - EU sẽ kéo dài sau hạn chót.

Biếm họa của ARCADIO ESQUIVEL
Biếm họa của ARCADIO ESQUIVEL

London và EU đã tiến hành vòng đàm phán cuối cùng về thỏa thuận hậu Brexit hôm 18-12. Trước đó, hai bên đã đạt được một số tiến bộ trong đàm phán, nhưng vẫn còn những bất đồng lớn và khả năng cao là các cuộc đàm phán kết thúc mà không có thỏa thuận. Chỉ vài giờ trước khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cảnh báo, các cuộc thảo luận về quan hệ với Anh đang ở thời điểm quyết định. Ông nhấn mạnh, hai bên còn rất ít thời gian để hoàn tất đàm phán và kịp đưa thỏa thuận vào thực thi từ ngày 1-1-2021. 

Về phía Anh, Thủ tướng Boris Johnson trong trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Sky News cho biết, Anh và EU sẽ tiếp tục đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng vẫn còn một khoảng cách cần phải được khắc phục và “Anh phải có quyền kiểm soát các luật của mình”, cụ thể là việc nắm quyền kiểm soát lãnh hải và quyền đánh cá. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Anh cũng thừa nhận viễn cảnh không đạt được thỏa thuận với EU có thể sẽ xảy ra.

Trước khi bước vào cuộc đàm phán lần chót của năm 2020 này, trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, hai bên đã không thể tìm được cách gỡ rối cho các cuộc đàm phán. Bất đồng lớn nhất cản trở kết thúc đàm phán giữa EU và Anh hiện nay là vấn đề quyền đánh bắt cá. Anh lâu nay phàn nàn rằng thị phần đánh bắt cá của nước này luôn phải theo chính sách đánh cá chung của EU. Các nước ven biển của EU cho rằng ngư dân của họ sẽ “gác cần câu cơm” nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, vì họ sẽ không được tiếp cận lãnh hải của Anh. Trong cuộc đàm phán diễn ra cuối tuần qua, Trưởng đoàn EU Barnier kiên quyết bảo lưu quan điểm rằng, để bảo đảm công bằng, các ngư dân châu Âu phải được tiếp cận những vùng biển của Anh. Ông cho rằng, trong khi các công ty của Anh hoạt động thương mại trong các lĩnh vực khác vẫn được bảo đảm các quyền ổn định, thì ngư dân EU lại không được bảo đảm quyền tiếp cận vùng biển Anh. Đây là điều bất hợp lý và EU cần phải chuẩn bị cho tất cả các tình huống có thể xảy ra. 

Về phía London, quan chức cấp cao của Chính phủ Anh Nick Gibb cho biết, Anh đã thử mọi cách để tiến tới thỏa thuận với EU nhưng sẽ “không đánh đổi chủ quyền quốc gia” chỉ để đạt được thỏa thuận trong đàm phán với EU. Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost và Thủ tướng Boris Johnson cũng đã đưa ra quan điểm tương tự. Văn phòng Thủ tướng Anh kiên quyết yêu cầu phía EU phải thay đổi quan điểm một cách đáng kể để khai thông bế tắc trong đàm phán. Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Anh Johnson từng bày tỏ quan điểm cứng rắn rằng, nước Anh muốn có thỏa thuận hậu Brexit với EU, nhưng sẽ “vui vẻ ra đi” và thực hiện trao đổi song phương theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trước thực trạng nêu trên, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cảnh báo, bất đồng kéo dài về cách xử lý quyền đánh cá thời kỳ hậu Brexit có thể làm mất cơ hội tiến tới một thỏa thuận thương mại. Theo kế hoạch, từ nửa đêm 31-12, Anh sẽ chính thức chấm dứt mọi ràng buộc với EU dù có hay không có thỏa thuận để bảo đảm quan hệ song phương không bị cắt đứt đột ngột. Việc EU và Anh “đường ai nấy đi” mà không có thỏa thuận thương mại sẽ khiến mọi hoạt động giao thương phải thực hiện theo các quy định của WTO, với các rào cản thuế quan chặn đứng mọi dòng chảy thương mại vốn đã hội nhập suốt 47 năm qua. 

Kịch bản nêu trên sẽ tác động tiêu cực đến cả kinh tế EU và Anh, trong bối cảnh các nền kinh tế châu Âu đang đối mặt nguy cơ suy thoái trong năm 2021, do tác động của đại dịch Covid-19.