Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Ấn Độ

Ấn Độ đang ghi nhận những “kỷ lục buồn” liên tiếp, khi mỗi ngày có hàng trăm nghìn ca lây nhiễm Covid-19 và trường hợp tử vong. Trong khi đó, hệ thống y tế của nước này đang bên bờ vực sụp đổ do thiếu toàn bộ trang thiết bị cần thiết. Cuộc khủng hoảng y tế chưa có tiền lệ hiện nay tại quốc gia Nam Á này bắt nguồn từ nhiều lý do, nhưng tâm lý chủ quan của người dân và chính phủ mới là nguyên nhân chính.

Biếm họa của ANTONIO RODRÍGUEZ
Biếm họa của ANTONIO RODRÍGUEZ

AP ngày 27-4 cho biết,  Ấn Độ thông báo ghi nhận thêm hơn 320.000 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong 24 giờ qua, trở thành ngày thứ sáu liên tiếp có số ca nhiễm vượt hơn 300.000 ca/ngày. Theo thống kê của Bộ Y tế Ấn Độ, tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này đã vượt quá 17 triệu ca.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi tất cả người dân đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng như cảnh giác, thận trọng phòng dịch. Nước này cũng sẽ bổ sung thêm 551 máy tạo oxy trên cả nước nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt oxy tại các bệnh viện, vốn khiến nhiều bệnh nhân tử vong trong những ngày qua. Tuy nhiên, do số ca mắc mới quá nhiều nên các biện pháp hỗ trợ mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu “khổng lồ” của người bệnh. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã cam kết hỗ trợ y tế khẩn cấp trong bối cảnh các bệnh viện quá tải tiếp tục không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân do thiếu giường bệnh và nguồn cung cấp oxy. 

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, Đức và Mỹ, đã cam kết viện trợ y tế khẩn cấp cho Ấn Độ trong bối cảnh hệ thống y tế của nước này đang kiệt sức chống chọi với số ca mắc Covid-19 gia tăng đột biến. Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ nguy cấp tới mức Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus nhận định là “vô cùng thương tâm”, đồng thời cho biết WHO sẽ triển khai thêm nhân viên và hàng tiếp tế cho Ấn Độ để trợ giúp chiến đấu chống đại dịch. 

Việc phát hiện các biến thể virus SARS-CoV-2 mang đột biến kép từ sáu tháng trước khi đợt dịch lần này bùng phát tại Ấn Độ khiến giới y tế cho rằng, ngay cả khi có mối liên hệ giữa loại virus đột biến này và sự gia tăng số ca nhiễm, thì cũng không thể phủ nhận rằng tâm lý thờ ơ của nhiều người với dịch bệnh, cho rằng đại dịch đã qua để bỏ khẩu trang tụ tập hay tổ chức hội hè… đã khiến Ấn Độ rơi vào làn sóng dịch đang hoành hành hiện nay.

Thực tế cho thấy, việc Ấn Độ nhanh chóng rơi vào cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ hiện nay là kết quả trực tiếp từ tâm lý chủ quan của người dân và thiếu sự chuẩn bị của chính phủ. Khi số ca nhiễm giảm đáng kể hồi giữa tháng 2, Chính phủ Ấn Độ và các nhà hoạch định chính sách đã sớm tuyên bố chiến thắng trước đại dịch. Đầu tháng 3, các bộ trưởng cấp cao đã nói về sự kết thúc của dịch bệnh ở Ấn Độ.  Phát biểu ý kiến trên đài phát thanh, Thủ tướng Ấn Độ Modi thừa nhận rằng, nước này đã lạc quan hơn sau khi kiểm soát thành công làn sóng lây nhiễm thứ nhất, nhưng “cơn bão” Covid-19 lần này đang làm rung chuyển quốc gia Nam Á.

Sau khi các ca nhiễm mới giảm xuống mức dưới 10.000 ca/ngày, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép tổ chức các cuộc tụ họp tôn giáo và chính trị lớn, các trận đấu cricket với hàng chục nghìn khán giả vẫn diễn ra và rạp chiếu phim luôn đông nghịt người. Hàng triệu tín đồ Hindu giáo được tạo điều kiện hành hương về những lễ hội tôn giáo lớn như Kumbh Mela ở Haridwar, bang Uttarakhand. Tại đây, hàng triệu người tụ tập để ngâm mình dưới sông Hằng, với niềm tin rằng sẽ được gột rửa mọi tội lỗi, song nó đã tạo những đợt “siêu lây nhiễm” Covid-19. Trong khi đó, chính phủ nước này lại thiếu kế hoạch cải thiện hệ thống y tế. Do đó, khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng, các bệnh viện và bác sĩ đều đưa ra thông báo khẩn cấp về việc không thể đối phó với lượng bệnh nhân quá đông.

Đến nay, kết quả nghiên cứu đều cho thấy, các loại vaccine Covid-19 hiện hành đều có thể ngừa được những biến thể của virus. Tuy nhiên, việc tuân thủ nghiêm ngặt và tăng cường biện pháp phòng dịch như tiêm chủng, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang, sát khuẩn… là điều cần thiết để hạn chế sự lây lan của virus, tránh phải trả giá đắt cho sự chủ quan trong phòng, chống dịch.