Cuộc đối đầu sai thời điểm

Những dằng dai chung quanh cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiếp diễn, bất chấp Seoul đã cam kết nâng mức đóng góp cao hơn so trước đây. Thương lượng chưa thể chấm dứt đồng nghĩa rằng những căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng, đe dọa gây tổn hại mối quan hệ đồng minh khăng khít bấy lâu giữa hai bên.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Hãng tin Yonhap ngày 1-5 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ Hàn Quốc đã đồng ý trả nhiều tiền hơn cho việc đóng quân của quân đội Mỹ ở nước này. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 29-4, Tổng thống D.Trump cho biết: “Họ đã đồng ý trả rất nhiều tiền. Họ sẽ trả nhiều tiền hơn so với trước”. Tuy nhiên, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã từ chối bình luận về phát biểu của ông Trump, nói rằng “Cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn. Chúng tôi không có gì để công bố liên quan thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng Mỹ - Hàn”.

Trước đó, Tổng thống D.Trump cho biết, ông đã từ chối đề nghị của Hàn Quốc tăng đóng góp của Seoul thêm ít nhất 13% trong thời gian tới. Ông D.Trump cho rằng, quốc gia đồng minh châu Á này cần chi trả nhiều hơn cho hoạt động đồn trú của 28.500 binh sĩ Mỹ ở nước này.

Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì sự hiện diện của lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) theo Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt (SMA), bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự, hỗ trợ hậu cần và chi phí để duy trì 28.500 binh sĩ USFK tại quốc gia Đông - Bắc Á này. Trước đây, Hàn Quốc và Mỹ quy định thời hạn hiệu lực của SMA là 5 năm. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống D.Trump đã xóa bỏ tiền lệ này, yêu cầu Seoul tăng mạnh mức đóng góp và rút ngắn thời hạn hiệu lực SMA xuống còn một năm.

Theo thỏa thuận SMA, năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so năm trước đó. Sau khi thỏa thuận mới nhất hết hiệu lực vào cuối năm ngoái, Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc góp 4,7 tỷ USD trong năm 2020 để duy trì USFK. AP dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu năm góc cho biết, khoản tiền này được dùng để trang trải nhiều chi phí, từ việc xây dựng và bảo trì cống thoát nước tại căn cứ quân sự, vận hành các cuộc tập trận chung cho đến duy trì những chuyến tuần tra của nhiều loại máy bay ở bán đảo Triều Tiên... Từ tháng 9-2019 đến nay, Seoul và Washington đã tiến hành tổng cộng sáu vòng đàm phán song bế tắc vẫn tiếp diễn. Vòng đàm phán song phương mới nhất diễn ra tại Thủ đô Washington D.C hồi tháng 1 vừa qua không thể hóa giải những khác biệt trong một số điểm then chốt, như tổng mức đóng góp tài chính của Seoul và việc gia hạn thỏa thuận SMA vốn đã hết hạn.

Một trong những khúc mắc của các vòng đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự là do Mỹ duy trì quan điểm cho rằng, Hàn Quốc đang lợi dụng mình. Theo đánh giá của “ông chủ” Nhà trắng, dù có quy mô nền kinh tế lớn hơn nhiều đồng minh khác của Mỹ, song đến nay Hàn Quốc vẫn chưa đóng góp chi phí quân sự tương xứng. Trong khi đó, Seoul giữ nguyên lập trường mức tăng phải nằm trong phạm vi có thể chấp nhận được trong khuôn khổ SMA mà hai bên đã nhất trí trong gần 30 năm qua. Hàn Quốc chỉ chấp nhận mức tăng khoảng 13% trong năm nay.

Trong khi cuộc đàm phán đang bế tắc, Mỹ đã có động thái được xem là gây sức ép buộc chính quyền Seoul phải nhượng bộ trong thương lượng, khi cho hàng nghìn nhân viên dân sự người Hàn Quốc nghỉ việc với lý do không đạt được thỏa thuận trước hạn chót vào ngày 1-4 vừa qua. Mỹ nói rằng, họ cần những đóng góp của Hàn Quốc để giúp trả lương cho nhân viên dân sự địa phương.

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và tốn nhiều thời gian lẫn công sức để đối phó thì cuộc đối đầu về chi phí quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc được xem là sai thời điểm. Bên cạnh đó, nếu cả hai bên vẫn không chấp nhận mức chia sẻ của nhau, điều này có thể gây sứt mẻ mối quan hệ đồng minh chiến lược được duy trì lâu nay giữa hai quốc gia.