Còn nhiều rào cản

Chính quyền Mỹ đang bày tỏ lạc quan về việc sắp đạt một thỏa thuận hòa bình với phiến quân Taliban ở Afghanistan, sau khi nhiều khúc mắc giữa hai bên dần được tháo gỡ trong những vòng đàm phán gần đây. Tuy nhiên, để thật sự tiến tới chấm dứt xung đột dai dẳng gần hai thập kỷ qua ở quốc gia Nam Á này thì đòi hỏi các bên cần có thêm nhiều nỗ lực.

Biếm họa của KAL
Biếm họa của KAL

Ngày 13-2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington đang tiến “rất gần” một thỏa thuận hòa bình với Taliban tại Afghanistan. Phát biểu ý kiến trong một chương trình truyền thanh của nhà báo kỳ cựu Geraldo Rivera, Tổng thống Mỹ nói: “Tôi nghĩ chúng ta đang tiến rất gần. Tôi nghĩ có cơ hội tốt là chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận và chúng ta hãy chờ xem”. Cũng theo lời “ông chủ” Nhà trắng, việc Washington có đạt thỏa thuận với Taliban hay không sẽ rõ trong vài tuần tới.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper xác nhận Mỹ và Taliban đã đàm phán về một đề xuất giảm bạo lực trong bảy ngày. Trả lời báo giới tại hội thảo diễn ra ở trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết đang tham vấn các đồng minh về đề xuất này và hai bên đã có hàng loạt các cuộc họp hiệu quả về lộ trình tương lai.

Trước đó, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo thông báo với ông rằng các cuộc đàm phán tại Qatar giữa Mỹ và phiến quân Taliban đã “tiến triển đáng kể”. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ghani, ông Pompeo cho biết Taliban đã đưa ra một đề xuất “liên quan việc giảm bạo lực một cách đáng kể và lâu dài”. Tuy nhiên, ông Ghani không cho biết chi tiết về đề xuất này. Lãnh đạo Afghanistan nhận định khả năng đàm phán giữa Mỹ và Taliban sẽ đạt được đột phá.

Trong khi đó, hãng tin Reuters của Anh dẫn một số nguồn tin cho biết thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban có thể được ký kết ngay trong tháng 2 này, nếu Taliban giảm đáng kể tình trạng bạo lực và điều này có thể dẫn tới việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Ước tính, hiện có khoảng 13.000 binh sĩ Mỹ và hàng nghìn binh sĩ NATO đang đồn trú tại Afghanistan.

Mỹ và Taliban đã tiến hành nối lại đàm phán tại Doha (Qatar) từ tháng 1 vừa qua. Tháng 9 năm ngoái, Mỹ và Taliban đã gần như chuẩn bị thông báo thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm qua, song Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hoãn tiến trình này với lý do Taliban gây bạo lực. Ba tháng sau đó, các cuộc đàm phán đã được tái khởi động tại Qatar, nhưng cũng bị gián đoạn sau vụ tiến công gần căn cứ quân sự Bagram của Mỹ ở Afghanistan.

Thỏa thuận được Mỹ và Taliban thảo luận tập trung vào bốn vấn đề chính: Taliban bảo đảm sẽ không để các nhóm khủng bố và thánh chiến sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tiến hành những vụ tiến công nhằm vào mục tiêu của Mỹ và phương Tây; lực lượng Mỹ và NATO rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan; đối thoại giữa các bên tại Afghanistan và thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.

Nội dung thảo luận giữa các bên xem ra khá rõ ràng, song giới phân tích nhận định rằng, rào cản lớn nhất hiện nay trong các cuộc đàm phán ở Qatar chính là việc Mỹ chưa ấn định thời hạn cụ thể để rút hoàn toàn lực lượng khỏi Afghanistan. Lâu nay, Taliban luôn đưa ra yêu sách trong các cuộc đàm phán với Mỹ, rằng Washington phải sớm rút hết quân về nước để tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại giữa các bên tại Afghanistan. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang “mắc” vào nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện quân đội Afghanistan nên chưa thể sớm rút quân. Chưa kể, tại thời điểm hiện nay, khi tàn quân của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn còn ẩn náu ở Afghanistan, thì đây vẫn sẽ là cái gai trong mắt Washington.

Bên cạnh đó, việc Taliban một mặt đàm phán với Mỹ, mặt khác lại liên tiếp tiến hành các vụ tiến công ở Afghanistan khiến hòa đàm luôn lâm vào bế tắc. Trong bối cảnh Tổng thống Trump muốn nhanh chóng kết thúc, đi đến một thỏa thuận với Taliban nhằm “đánh bóng” hình ảnh trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, thì kiểu “vừa đánh, vừa đàm” của Taliban đã gây cản trở lớn cho các cuộc đối thoại.

Theo nhận định của các nhà phân tích, kể cả khi đạt được thỏa thuận hòa bình nhưng nếu các bên không “nuôi dưỡng” thỏa thuận đó bằng thiện chí và lòng tin, thì hòa bình ở Afghanistan vẫn rất mong manh.