Cơn ác mộng chưa qua

Tháng 3 này đánh dấu thời điểm khởi phát cuộc nội chiến ở Syria 10 năm trước. Xung đột đến nay đã khiến hàng trăm nghìn người chết, hàng triệu người phải sống tị nạn, hạ tầng cơ sở đất nước bị tàn phá, hơn một nửa số dân lâm vào cảnh đói nghèo. Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi khởi động các nỗ lực quốc tế mới, giúp sớm chấm dứt “cơn ác mộng” ở Syria.
 

Biếm họa của TJEERD ROYAARDS
Biếm họa của TJEERD ROYAARDS

Trong phát biểu nhân dịp 10 năm cuộc xung đột ở Syria, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã ví cuộc nội chiến đẫm máu và dai dẳng này như “cơn ác mộng giữa đời thường”. Bởi lẽ, những gì người dân Syria đang gồng mình chống chọi được xem là vượt quá sức chịu đựng của con người và có thể gây sốc với lương tâm của nhân loại. Tại cuộc họp định kỳ của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ hôm 15-3, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về vấn đề Syria, ông Geir Pedersen cũng cảnh báo, tình hình Syria hiện nay là một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử thế giới đương đại. Một thập niên sau xung đột, đất nước Syria vẫn trong cảnh hoang tàn và đổ máu. Người dân vẫn là nạn nhân của bạo lực, khủng bố, chia cắt, khủng hoảng kinh tế nhân đạo.

Giữa tháng 3-2011, từ các cuộc biểu tình nhỏ lẻ, bạo lực đã bùng lên thành xung đột và lan rộng ra khắp đất nước, đẩy Syria vào cuộc chiến kinh hoàng và dai dẳng. Mười năm sau, dù các lực lượng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại phần lớn các vùng lãnh thổ bị các nhóm đối lập chiếm giữ, song tiếng súng vẫn chưa ngưng, hậu quả chiến tranh còn nặng nề. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) ước tính, xung đột kéo dài một thập niên vừa qua đã cướp đi sinh mạng của khoảng 400 nghìn người, khiến hơn một triệu người bị thương, hơn một nửa số dân Syria phải rời nhà chạy nạn, trong đó có hơn năm triệu người phải bỏ đất nước đi tị nạn. 

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, đất nước Syria đang dần bị đẩy khỏi bản đồ thế giới, người dân Syria lại chịu nhiều sức ép, từ xung đột, phong tỏa và khủng hoảng nhân đạo. Theo LHQ, khoảng 60% dân số Syria có nguy cơ rơi vào nạn đói, trong khi các cơ sở y tế bị tàn phá do xung đột. Hiện, tình hình an ninh tại Syria được đánh giá là ổn định nhất trong 10 năm qua, song bạo lực vẫn xảy ra thường xuyên, an toàn của người dân vẫn bị đe dọa. Để khôi phục đất nước, Syria chắc chắn cần nhiều năm nữa, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Đặc phái viên Geir Pedersen cảnh báo “tình trạng tuyệt vọng” hiện nay của người dân Syria có thể kéo dài cả thập niên nữa, nếu không có các nỗ lực ngoại giao quốc tế mang tính xây dựng song hành cùng cuộc đối thoại quốc gia đầy gian nan của người Syria. LHQ chỉ rõ, cộng đồng quốc tế đang bị chia rẽ bởi các mục tiêu cạnh tranh chiến lược, nhất là giữa các cường quốc, dẫn tới tình trạng bế tắc trong việc tìm ra giải pháp cho khủng hoảng Syria. Nhiều nỗ lực quốc tế và khu vực nhiều năm qua nhằm hỗ trợ chấm dứt xung đột tại Syria vẫn chưa hiệu quả, phần lớn do thiếu lòng tin giữa các bên. Với nỗ lực bền bỉ của LHQ, tiến trình đàm phán hòa bình, xây dựng hiến pháp mới cho Syria đã được khởi động, song vẫn chưa đạt bước đột phá. 

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các bên liên quan đưa ra cam kết mới, hành động mới, hướng tới hòa bình và ổn định cho Syria. Các bên hiện cần tận dụng mọi cơ hội để thể hiện thiện chí, chia sẻ tiếng nói chung, trên cơ sở nhận thức rõ nhu cầu cấp thiết của người dân Syria mong muốn thoát khỏi “tình trạng tuyệt vọng” hiện nay. Các bên cũng cần điều chỉnh cách tiếp cận, cân nhắc các vấn đề một cách thực tế hơn, nhằm đạt các bước tiến cụ thể.

Khẳng định cơ hội chấm dứt “cơn ác mộng” cho Syria là thông qua đối thoại, nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ và bền vững, LHQ cam kết thúc đẩy khuôn khổ quốc tế mới, với sự tham gia của Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên hiệp châu Âu (EU) và cả các nước Arab.