Cơ hội “phá băng”

Ngày 24-10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hội đàm với Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon đang thăm Tokyo để tham dự lễ đăng quang của Nhật Hoàng Naruhito. Cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên được hy vọng giúp giảm căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước láng giềng liên quan vấn đề lao động cưỡng bức trong thời kỳ chiến tranh và thương mại thời gian gần đây.

Biếm họa của PARK YONG-SEOK
Biếm họa của PARK YONG-SEOK

Truyền thông hai nước đều đăng tải những tín hiệu tích cực rõ rệt sau cuộc hội đàm cấp cao lần này. Theo NHK, tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng, đồng thời nhấn mạnh sự phối hợp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông Abe, cả hai bên không thể “bỏ mặc” tình trạng căng thẳng hiện nay trong quan hệ hai nước.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đồng tình về vai trò của hai nước trong vấn đề Triều Tiên. Ông Lee Nak Yon đề cập sự cần thiết cải thiện quan hệ song phương căng thẳng hiện nay, cho biết ông đã trao tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bức thư của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Thủ tướng Lee Nak Yon không tiết lộ nội dung bức thư, song theo báo giới Hàn Quốc, trong bức thư này, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh Nhật Bản là đối tác chủ chốt trong việc gìn giữ hòa bình khu vực.

Trước đó, ngày 23-10 ông Lee Nak Yon đã bày tỏ hy vọng cuộc hội đàm với ông Abe sẽ giúp tạo nền tảng cho mối quan hệ “hướng tới tương lai” giữa hai nước. Giới phân tích cho rằng ông Lee đã mang theo thông điệp tích cực khi đến Tokyo, với mong muốn gác lại quá khứ vốn còn tồn tại những vấn đề gây bất đồng.

Trên thực tế, căng thẳng hai bên bùng phát liên quan vấn đề lao động cưỡng bức trong thời kỳ chiến tranh sau khi các tòa án Hàn Quốc hồi tháng 10-2018 yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho lao động nước này trong giai đoạn bán đảo Triều Tiên là thuộc địa của Nhật Bản thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Phán quyết trên khiến Tokyo bất bình và châm ngòi cho hàng loạt động thái đầy căng thẳng sau đó. Tokyo cho rằng, vấn đề lao động cưỡng bức đã được giải quyết thông qua Hiệp ước quan hệ cơ bản Hàn Quốc và Nhật Bản ký kết năm 1965 và không chấp nhận phán quyết “phủ nhận lịch sử” như vậy. Mâu thuẫn đã lan sang quan hệ thương mại mà đỉnh điểm là việc mỗi nước đều rút tên đối phương ra khỏi danh sách đối tác ưu đãi thương mại đã thực hiện nhiều năm qua.

Trong tháng 7, Nhật Bản quyết định siết chặt các quy định xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đối với các loại nguyên liệu công nghệ cao, vốn được sử dụng trong sản xuất chip điện tử và màn hình, những lĩnh vực mũi nhọn của các tập đoàn công nghệ hàng đầu “xứ sở kim chi” như LG, Samsung… Sau đó, giới chức Tokyo cáo buộc hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Seoul đối với các mặt hàng nhạy cảm còn lỏng lẻo và loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, còn được gọi là “Danh sách trắng”. Căng thẳng thương mại cũng khiến quan hệ giữa Tokyo và Seoul gần đây đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Dù bày tỏ phản đối mạnh mẽ các động thái mà họ gọi là “trả đũa” của Tokyo, song Seoul cũng thực hiện các biện pháp tương tự. Việc hạ cấp mối quan hệ đối tác thương mại giữa Tokyo và Seoul khiến thủ tục xuất, nhập khẩu và hải quan hai nước vốn đã được đơn giản hóa nay trở nên phức tạp. Thêm vào đó, thủ tục hành chính rườm rà cũng gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp mỗi bên.

Giới quan sát cho rằng, các hành động “ăn miếng, trả miếng” đã đẩy hai nước đứng trước bờ vực của một cuộc chiến tranh thương mại và đi ngược các nguyên tắc mậu dịch tự do vốn được hai nước láng giềng dày công xây dựng lâu nay, đồng thời gây tác động tiêu cực cho cả kinh tế khu vực cũng như “sức khỏe” kinh tế thế giới. Bởi vậy, cuộc hội đàm cấp cao giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu kể từ nhiều tháng qua được xem là cơ hội để hai nước láng giềng xoa dịu quan hệ căng thẳng hiện nay, cũng như trấn an hai nền kinh tế vốn được xem là những “ngọn cờ đầu” của châu Á và cả thế giới.