Cơ hội mới cho hòa bình Trung Đông

Ngày 19-11, chính quyền Palestine (PA) và các quan chức Israel đã tổ chức cuộc họp song phương đầu tiên sau khi PA tuyên bố nối lại quan hệ với Israel sau sáu tháng tẩy chay vì kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây của Israel. Cuộc gặp này được xem là cơ hội “phá băng” mối quan hệ nhiều sóng gió giữa hai bên.

Biếm họa của SIMON NSAKA
Biếm họa của SIMON NSAKA

Thủ tướng Palestine, M.Shtayyeh cho biết, quyết định nối lại đối thoại và hợp tác với Israel được đưa ra sau khi Tổng thống M.Abbas nhận được thư từ Israel cho biết nước này vẫn duy trì cam kết với các thỏa thuận đã ký với người Palestine. Tại cuộc họp, hai bên nhất trí về việc chi trả khoảng ba tỷ shekel (tương đương 890 triệu USD) tiền thuế mà Israel đang giữ của PA trong sáu tháng qua. Israel hiện thu thuế đối với hàng xuất khẩu của Palestine qua các cảng của nước này. 

Ngoài ra, tại cuộc họp, phía Palestine bày tỏ không chấp nhận các chính sách của Israel đối với các vấn đề như khu định cư, phá dỡ nhà ở và tịch thu đất đai tại các vùng lãnh thổ của người Palestine. Trước đó, hôm 17-11, PA cho biết sẽ nối lại hợp tác an ninh và dân sự với Israel ở khu Bờ Tây sau “các cuộc tiếp xúc chính trị” của Tổng thống Palestine M.Abbas.

Các cuộc hòa đàm giữa chính quyền Palestine và Israel đã đình hoãn từ năm 2014. Phía Palestine không chấp nhận Mỹ bảo trợ các cuộc đàm phán với Israel kể từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel đến thành phố này vào tháng 5-2018. Jerusalem là thành phố linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Sau cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967, Israel đã chiếm Đông Jerusalem và sáp nhập vào lãnh thổ của mình, vốn là động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Trong cuộc chiến tranh nói trên với các nước Arab, Israel cũng đã chiếm giữ khu Bờ Tây vào ngày 7-6-1967 và kiểm soát vùng lãnh thổ này cho đến nay. Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) sau đó đã ra phán quyết khu vực trên là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Chính phủ Israel lại coi Bờ Tây là “vùng tranh chấp”. Trong khuôn khổ các chính sách được chính quyền Israel thực thi liên quan hoạt động chiếm đóng, Israel đã xây dựng một loạt khu định cư trên khắp Bờ Tây. Không chỉ Palestine, cộng đồng quốc tế cũng luôn coi đây là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Vấn đề này đã trở thành một trong những trở ngại lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào bế tắc.

Thời gian gần đây, dưới sự trung gian của Mỹ, Israel đã liên tục bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Arab vùng Vịnh là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan, kèm theo cam kết sẽ không mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây. Chính cam kết này đã mở đường để Palestine sẵn sàng trở lại bàn đàm phán hòa bình với Israel, mà cuộc họp đầu tiên sau sáu tháng ngày 19-11 nói trên đã thể hiện thiện chí của PA. Tuy nhiên, điều gây cản trở các bên tiến tới đối thoại nghiêm túc và hiệu quả chính là sự úp mở của Tel Aviv về chính sách định cư của mình.

Ngay trước thềm cuộc họp song phương, Chính phủ Israel ngày 15-11 đã xúc tiến kế hoạch xây dựng hàng trăm nhà định cư mới tại một khu vực gần Đông Jerusalem. Trang web của Cơ quan quản lý đất đai Israel (ILA) đã đăng tải thông báo mời thầu xây dựng 1.257 nhà định cư tại khu vực Givat Hamatos nối giữa Đông Jerusalem và Bờ Tây, thậm chí nêu rõ thời hạn cuối cùng để nộp hồ sơ đấu thầu là ngày 18-1-2021. Palestine và cộng đồng quốc tế cho rằng, việc xây thêm nhà định cư Do Thái là dấu hiệu Israel bác bỏ Nhà nước Palestine và là đòn giáng vào hy vọng về một nền hòa bình rộng hơn giữa Israel với thế giới Arab.

Do đó, theo giới quan sát, điều kiện cần và đủ lúc này để hai bên cởi mở hơn trong các cuộc gặp trong tương lai chính là thái độ dứt khoát của Israel về chấm dứt mở rộng khu định cư ở Bờ Tây, coi đó là sự bảo đảm cho việc chấm dứt cuộc xung đột Palestine - Israel dựa trên giải pháp hai nhà nước, tiến tới thành lập Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền tồn tại một cách công bằng và bình đẳng bên cạnh Nhà nước Do Thái.