Cơ hội đảo ngược sự biến đổi

Khoảng 60 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới đã có mặt ở New York (Mỹ) ngày 23-9 tham dự Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu (BĐKH) của LHQ nhằm làm hồi sinh Hiệp định Paris về BĐKH. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh loài người đang xả một lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Do đó, hội nghị được kỳ vọng là cơ hội để các nước cùng hợp sức đảo ngược tình trạng BĐKH mỗi lúc một trầm trọng.

Biếm họa của ARCADIO ESQUIVEL
Biếm họa của ARCADIO ESQUIVEL

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres cảnh báo thế giới sẽ phải đối mặt nguy cơ Trái đất nóng lên thêm ít nhất 3°C vào cuối thế kỷ này. Ông Guterres nêu rõ: “Chống BĐKH là cuộc chiến chúng ta đang thua nhưng đồng thời là cuộc chiến chúng ta hoàn toàn có thể thắng”. Ông khẳng định, hội nghị cấp cao lần này không phải là dịp để các nước thảo luận về vấn đề chống BĐKH, mà là nơi để các chính phủ cam kết về những hành động cụ thể. Trên thực tế, mỗi nước đều có thể gia tăng nỗ lực để đóng góp vào mục tiêu chung giảm 45% lượng khí thải nhà kính trong thập kỷ tới và tiến tới không còn khí thải nhà kính vào năm 2050.

Theo ông Guterres, để đạt được hiệu quả và mang tính khả thi, những kế hoạch này không thể chỉ giảm lượng khí thải nhà kính đơn phương, mà cần phải đưa ra giải pháp chuyển đổi hoàn toàn các nền kinh tế hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững, tránh tạo ra thêm bất bình đẳng kinh tế, đồng thời phải tạo dựng nhiều cơ hội mới cho những người bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực của quá trình BĐKH. Ông cũng cho rằng, những kế hoạch này cần có sự tham gia của phụ nữ trong vai trò ra quyết định chính, bởi những quyết định được những lãnh đạo đại diện đa dạng về giới đưa ra sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nổi lên trong quá trình chuyển đổi các nền kinh tế trong tương lai.

Báo cáo của LHQ đưa ra tại hội nghị cho biết, lượng khí thải toàn cầu đang tiến tới mức cao kỷ lục và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bốn năm vừa qua được ghi nhận là bốn năm nóng nhất và nhiệt độ mùa đông ở Bắc Cực đã tăng 3°C tính từ năm 1990. Hiện nay, mực nước biển cũng tăng lên và các rạn san hô đang chết dần. Con người bắt đầu nhận thức rõ hơn những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống. Tình trạng cháy rừng Amazon và cháy rừng ở Indonesia đang đốt cháy tương lai của nhân loại theo nghĩa đen. Sự tàn phá của bão Dorian ở Bahamas khiến hàng trăm người chết, hay nắng nóng bất thường tại nhiều thành phố… là những hậu quả khủng khiếp từ BĐKH mà con người đang được tận mắt chứng kiến chứ không còn là cảnh báo.

Kết quả phân tích mới nhất của LHQ cho thấy, nếu cả thế giới chung tay hành động ngay từ lúc này thì vẫn có cơ hội giảm lượng khí thải CO2 trong 12 năm tới và có thể giữ được mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới mức 2°C so mức thời kỳ tiền công nghiệp. Đó là hy vọng song bước đầu đã nhận được những cam kết mạnh mẽ của các quốc gia.

Thủ tướng Đức A.Merkel thông báo nước này sẽ tăng gấp đôi ngân sách dành cho một quỹ bảo vệ khí hậu toàn cầu của LHQ, từ hai lên bốn tỷ euro, để hỗ trợ các nước kém phát triển giải quyết những vấn đề liên quan BĐKH, đồng thời tiếp tục các hoạt động bảo vệ rừng trong thời gian tới. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ N.Modi nhấn mạnh nước này đang khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch và trong thời gian tới sẽ tăng cường khả năng cung cấp năng lượng tái tạo. Về phần mình, Tổng thống Pháp E.Macron khẳng định các nước cần có một chương trình nghị sự về thương mại phù hợp chương trình nghị sự về BĐKH, cần hạn chế nhập khẩu các mặt hàng có thể làm ô nhiễm môi trường, trong khi phải tìm cách tăng ngân sách cho những dự án làm sạch môi trường ở các nước...

Một tín hiệu tích cực khác cũng đã xuất hiện khi LHQ thông báo, 66 chính phủ, cùng 10 khu vực, 102 thành phố, 93 doanh nghiệp và 12 nhà đầu tư đã cam kết giảm lượng khí thải CO2 về mốc 0 vào năm 2050. Tuy vậy, để các cam kết nói trên trở thành hiện thực thì chính phủ các nước cần nhiều hành động hơn lời nói, cũng như cần có trách nhiệm hơn nữa trong thực thi những cam kết đã nêu trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Chỉ có vậy thì loài người mới có cơ hội đảo ngược tình trạng BĐKH và bảo đảm một tương lai phát triển bền vững.