Chung tay xoa dịu nỗi đau

Người dân Lebanon vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ nổ khủng khiếp hôm 4-8 tại Thủ đô Beirut. Để góp phần xoa dịu nỗi đau này, cộng đồng quốc tế đã chung tay viện trợ các nguồn lực vật chất, trong khi Chính phủ Lebanon đã bắt giữ một số đối tượng liên quan và Pháp cũng kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ việc.

Biếm họa của EMAD-HAJJAJ
Biếm họa của EMAD-HAJJAJ

Ngày 4-8, một vụ nổ đã xảy ra trong quá trình hàn tại một nhà kho của cảng Beirut ở Lebanon. Các tia lửa sau đó bén vào nhà kho, làm nổ 2.750 tấn amoni nitrat chuyên dùng để sản xuất phân bón hóa học. Theo AP, số hóa chất này được lưu kho tại cảng Beirut để chờ được xử lý từ năm 2014. Theo các nhà địa chấn học, vụ nổ tương đương một trận động đất 4,5 độ richter. Ít nhất 158 người đã thiệt mạng và 6.000 người bị thương trong vụ nổ, trong khi vẫn còn nhiều người đang mất tích.

Sau khi thảm họa xảy ra, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng đưa ra những động thái viện trợ khẩn cấp cho Lebanon. Ngày 6-8, Liên hiệp châu Âu (EU) thông báo hỗ trợ khẩn cấp ban đầu 33 triệu euro cho Lebanon và huy động các nguồn lực vật chất, bao gồm một tàu bệnh viện của Italia, trong nỗ lực giúp đỡ hoạt động cứu trợ. Một hội nghị của các nhà tài trợ đã được lên kế hoạch để huy động thêm nguồn cứu trợ cho công tác tái thiết Lebanon. Ủy ban châu Âu (EC) nhận định, việc hỗ trợ Lebanon 33 triệu euro có thể giúp đáp ứng nhu cầu trước mắt về các dịch vụ cấp cứu và bệnh viện ở Beirut. 

Pháp được xem là quốc gia đi đầu trong công tác hỗ trợ Lebanon, khi Tổng thống Pháp E.Macron thông báo tổ chức một hội nghị cứu trợ toàn cầu trong vài ngày tới. Về phần mình, quân đội Mỹ đã vận chuyển đợt hàng cứu trợ đầu tiên bao gồm lương thực, thực phẩm, nước sạch và thiết bị y tế đến Lebanon nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân quốc gia Trung Đông này. Algeria cũng gửi hàng viện trợ và cử nhân viên cứu hộ đến Lebanon để hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả vụ nổ. Trong khi đó, LHQ viện trợ Chính phủ Lebanon bằng cách giải ngân quỹ khẩn cấp, đánh giá nhu cầu và lên kế hoạch vận chuyển hàng viện trợ. 

Song song các nỗ lực cứu trợ, Chính phủ Lebanon thành lập một ủy ban điều tra về vụ nổ, giao cho ủy ban này bốn ngày để xác định đối tượng chịu trách nhiệm. Trước đó, Chính phủ Lebanon đã quyết định hình thức quản thúc tại nhà đối với tất cả các quan chức phụ trách công tác giám sát kho và an ninh tại cảng Beirut từ năm 2014. Thủ tướng Hassan Diab và Tổng thống Michel Aoun cũng cam kết sẽ bắt thủ phạm phải chịu trách nhiệm. 

Hãng thông tấn quốc gia Lebanon NNA ngày 6-8 cho biết, giới chức nước này đã quyết định bắt giữ 16 cá nhân để phục vụ quá trình điều tra. Giới chức Lebanon đến nay đã thẩm vấn hơn 18 quan chức hải quan và phụ trách cảng Beirut chịu trách nhiệm hoặc có liên quan công tác bảo trì nhà kho chứa vật liệu nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Lebanon đã quyết định “đóng băng” tài khoản của các quan chức hải quan và những người đứng đầu cảng Beirut. Việc đóng băng tài khoản ngân hàng sẽ được áp dụng đối với các tài khoản có liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với Tổng Giám đốc Cảng vụ Beirut, ông Hassan Koraytem; Tổng Giám đốc Hải quan Lebanon là ông Badri Daher và 5 người khác, trong đó có cả các cựu quan chức cảng và hải quan.

Liên quan vụ việc, cảnh sát CH Cyprus đã thẩm vấn một người đàn ông Nga được xem là chủ sở hữu của con tàu chở lô hàng hóa chất amoni nitrat bị bỏ lại ở Thủ đô Beirut của Lebanon và đã gây ra vụ nổ. Trong khi đó, Tổng thống Pháp E.Macron đã kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế đối với vụ nổ, nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra quốc tế, cởi mở và minh bạch. Ông cho biết, tàu sân bay Pháp đang trên đường tới Beirut, mang theo các nhóm cứu hộ để hỗ trợ công tác tìm kiếm và điều tra.

Với những nỗ lực khắc phục hậu quả và điều tra nguyên nhân vụ nổ ở Beirut, hy vọng nỗi đau mất mát của người dân Lebanon sẽ phần nào được xoa dịu. Giới chức Beirut ước tính có khoảng 300.000 người tạm thời không có nơi trú ẩn và Lebanon, quốc gia vốn chìm trong nợ nần, sẽ phải chi hơn 5 tỷ USD để khắc phục hậu quả.