Chia rẽ ở “lục địa già”

Những rắc rối và bất đồng liên quan cơ chế phân bổ người nhập cư ở Liên hiệp châu Âu (EU) đang ngày càng sâu sắc, làm suy giảm tính đoàn kết giữa các thành viên EU, đặc biệt là những nước ở Đông và Nam Âu. Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục mở cửa cho người di cư tràn vào châu Âu và nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tăng cao, áp lực hóa giải bài toán di cư đặt lên “lục địa già” là vô cùng lớn.

Biếm họa của LUC VERNIMMEN
Biếm họa của LUC VERNIMMEN

AFP cho biết, Tòa án Công lý châu Âu (CJE) của EU ngày 2-4 ra phán quyết rằng Ba Lan, Hungary và CH Czech đã vi phạm luật pháp EU khi không tiếp nhận số người di cư theo tỷ lệ được phân bổ nhằm giảm gánh nặng cho các nước thành viên phía nam như Hy Lạp. CJE cho biết, vấn đề chia tỷ lệ tiếp nhận người di cư đã làm suy giảm tình đoàn kết nội khối nhiều năm qua. Phán quyết nêu rõ: “Khi từ chối tuân thủ cơ chế tạm thời để tái phân bổ người xin tị nạn, Ba Lan, Hungary và CH Czech đã không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp EU”.

Trước đó, các nước thành viên EU đã chia rẽ sâu sắc kể từ khi EU thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn vào năm 2015. Khi đó, CJE đã yêu cầu các nước trong khối chung tay giải quyết vấn đề này trên cơ sở nhận một lượng người nhập cư nhất định. Trong khi các nước lớn có tiềm lực kinh tế như Đức nhận 20%, Pháp nhận 15% thì các nước ở Đông Âu như Hungary, Slovakia nhận khoảng 1-2%. Dù việc phân chia này đã được EU thông qua theo đa số hồi tháng 9-2015, nhưng kế hoạch phân bổ trên đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước Trung và Đông Âu, trong đó có CH Czech, Slovakia, Romania và Hungary.

Năm 2017, Hungary và Slovakia đã khiếu nại về kế hoạch phân bổ hạn ngạch người di cư giữa các nước thuộc EU nhưng bị Tòa án Tư pháp châu Âu bác bỏ. Tuyên bố của tòa án khẳng định, cơ chế này tính toán cân đối việc phân bổ người di cư để hỗ trợ Hy Lạp và Italia đối phó tác động từ cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án Tư pháp châu Âu sẽ khiến tình hình thêm căng thẳng, bởi nó gây thêm mâu thuẫn giữa các nước thành viên EU.

Trên thực tế, các nước Trung và Đông Âu đã bỏ phiếu chống lại chương trình phân bổ hạn ngạch người nhập cư bắt buộc của EU. Giới quan sát cho rằng, có nhiều lý do khiến các quốc gia này từ chối tiếp nhận người tị nạn. Trong đó, các nước Trung và Đông Âu khẳng định, việc áp đặt hạn ngạch lên các quốc gia thành viên có chủ quyền là phi lý và không thể chấp nhận. Bên cạnh đó, Trung và Đông Âu là những nước nghèo hơn phần còn lại của châu Âu, nên bắt họ tiếp nhận người di cư sẽ tạo gánh nặng về nhiều mặt cho chính phủ và xã hội. Một lý do quan trọng khác mà các nước này đưa ra là những lo ngại về nguy cơ bất ổn an ninh. Một loạt cuộc tiến công khủng bố tại một số nước châu Âu thời gian gần đây, trong đó có các vụ tiến công ở Anh và Đức, đã làm dấy lên những quan ngại về xảy ra các cuộc khủng bố tương tự tại các quốc gia Trung và Đông Âu.

Làn sóng người di cư đi tìm “miền đất hứa” ở châu Âu tăng trở lại từ năm 2019, đặc biệt khi hàng chục nghìn người di cư và tị nạn đổ về khu vực biên giới giữa Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ sau quyết định mở cửa biên giới gây tranh cãi của Ankara. Theo AP, ít nhất 40.000 người vượt biên trái phép vào Hy Lạp đã được chặn lại ở biên giới trên bộ kể từ cuối tháng 2 vừa qua sau khi chính quyền Ankara bất ngờ mở cửa biên giới cho người di cư tràn sang châu Âu, nhằm đòi EU chi thêm tiền hoặc ủng hộ các mục đích địa - chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Syria.

Trong bối cảnh bài toán người di cư chưa có lời giải, phán quyết mới đây của CJE đối với Ba Lan, Hungary và CH Czech được cho là sẽ làm trầm trọng thêm bất đồng nội khối EU. Mâu thuẫn giữa các thành viên sẽ cản trở việc thực hiện cam kết của EU về giảm gánh nặng cho Hy Lạp và Italia, hai quốc gia cửa ngõ tiếp nhận người di cư từ năm 2015.