Chìa khóa phục hồi kinh tế EU?

Kế hoạch phục hồi kinh tế chung cho toàn Liên hiệp châu Âu (EU) là trọng tâm của hội nghị trực tuyến giữa bộ trưởng các nước thành viên EU phụ trách thị trường nội địa và công nghiệp. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực đã thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 và đang đối mặt nhiều thách thức lớn.

Biếm họa của LUOJIE
Biếm họa của LUOJIE

Tại hội nghị, các bộ trưởng của EU đã thảo luận Lộ trình chung về phục hồi (JRR), tập trung vào sự cần thiết của một kế hoạch phục hồi toàn diện và đầu tư nhằm hỗ trợ các nền kinh tế bị tác động của đại dịch. JRR gồm bốn lĩnh vực chính: thị trường chung được hồi phục và vận hành đầy đủ, nỗ lực đầu tư chưa từng thấy, hành động toàn cầu và hệ thống quản lý vận hành tốt. Theo đó, các bộ trưởng nhất trí rằng sự “chuyển đổi xanh” và chuyển đổi kỹ thuật số sẽ đóng vai trò là “chìa khóa” giúp hồi phục và hiện đại hóa nền kinh tế châu Âu.

Trong kế hoạch phục hồi kinh tế chung nói trên, các nhà lãnh đạo EU đặc biệt quan tâm hai đối tượng là người lao động và các doanh nghiệp. Theo đó, việc gia tăng đầu tư vào các công nghệ sạch và số hóa được kỳ vọng sẽ giúp tạo việc làm mới cho người lao động và tạo ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế toàn khu vực. Chủ tịch Nhóm bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng euro (Eurogroup), Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Mario Centeno đã nhấn mạnh rằng, chương trình Hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ thất nghiệp trong tình trạng khẩn cấp (SURE) sẽ trở thành luật trong vài ngày tới để bảo vệ việc làm và thu nhập cho người lao động trong thời gian dịch bệnh. Ông Centeno cũng cho biết, gói ứng phó dịch trị giá 540 tỷ euro đang tiến triển tốt, theo đó tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp cũng như các nền kinh tế thành viên EU. Theo Chủ tịch Eurogroup, chính sách bảo đảm toàn châu Âu của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ giúp tạo mạng lưới an toàn chung để giúp các doanh nghiệp đứng vững và tránh chia nhỏ thị trường chung.

Gần đây, các nước thành viên EU đã có các bước đi chưa từng thấy nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại được trong cuộc khủng hoảng này. Trước khi thảo luận kế hoạch chung phục hồi kinh tế khu vực nêu trên, các nước EU cũng đã vạch kế hoạch từng bước khôi phục hoạt động du lịch trong mùa hè này, hy vọng sẽ “giải cứu” hàng triệu việc làm đang bị đe dọa trong đại dịch. Theo đó, EU đề xuất cách tiếp cận ba giai đoạn, bắt đầu với tình hình hiện tại khi hầu hết hoạt động di chuyển qua biên giới không cần thiết đều bị cấm. Trong giai đoạn tiếp theo, EU muốn dỡ bỏ các hạn chế ở biên giới giữa các nước và các khu vực, nơi tình hình y tế đang cải thiện. Giai đoạn cuối cùng là sẽ được dỡ bỏ hạn chế và cho phép đi lại trên khắp châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU cũng đã hối thúc các chính phủ cân nhắc xem xét việc mở cửa trở lại biên giới.

EU thảo luận giải pháp chung vực dậy kinh tế khu vực trong bối cảnh các nền kinh tế của “mái nhà chung châu Âu” đã thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thời gian qua. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), Đức - nền kinh tế số một châu Âu - đã rơi vào suy thoái sau khi GDP của nước này trong quý I-2020 giảm 2,2% so quý IV-2019. Ủy ban châu Âu (EC) vừa dự báo, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ sụt giảm 7,7% trong năm nay vì những hậu quả thảm khốc của đại dịch.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, dù EU có thống nhất được một lộ trình chung phục hồi kinh tế, các thách thức trước mắt vẫn vô cùng lớn. Trở ngại đầu tiên là tình hình dịch bệnh tại phần lớn các nước thành viên EU hiện vẫn nghiêm trọng, khiến nhiều nước chưa thể và chưa có kế hoạch mở cửa lại biên giới. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit (Anh rời EU) với Anh vẫn bế tắc. Theo đó, “Brexit cứng” cùng đại dịch Covid-19 có thể sẽ tạo nên “khủng hoảng kép” với kinh tế EU, khiến kế hoạch phục hồi kinh tế chung nói trên chưa chắc đủ sức kéo nền kinh tế khu vực này ra khỏi suy thoái.