Chặng nước rút

Hòa bình và an ninh quốc tế là trọng tâm thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich năm 2020, trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới và hợp tác quốc tế vẫn bấp bênh. Nỗi bất an vẫn thường trực khi Mỹ và Nga bước vào chặng nước rút, chạy đua với thời gian nhằm cứu các cơ hội kiểm soát vũ khí chiến lược quốc phòng toàn cầu.

Biếm họa của LUO JIE
Biếm họa của LUO JIE

Diễn ra tại Munich (Đức), từ ngày 14-2 đến 16-2, Hội nghị An ninh Munich năm 2020 có sự góp mặt của 35 nhà lãnh đạo và hơn 100 bộ trưởng quốc phòng các nước, nhằm đánh giá và tìm cách thức hóa giải những nguy cơ đối với hòa bình và an ninh thế giới. Báo cáo An ninh Munich năm 2020, được công bố trước thềm hội nghị, nêu rõ tình hình an ninh quốc tế những năm gần đây tiếp tục bất ổn, trong khi thế giới nói chung, nhất là các nước phương Tây, vẫn không chắc chắn về những định hướng chiến lược. Đó là thách thức lớn, khiến tình hình an ninh quốc tế luôn trong tình trạng bấp bênh.

Với sự tham dự của giới hoạch định chính sách cấp cao quốc tế, Hội nghị An ninh Munich luôn được xem là diễn đàn thích hợp để các cường quốc giới thiệu và “thử” phản ứng quốc tế đối với những định hướng chính sách đối ngoại. Không ngoại lệ, tại hội nghị năm nay ở Munich, các nhà lãnh đạo thế giới xem xét những diễn biến an ninh trên toàn cầu và chính sách ứng phó của các nước lớn. Nổi bật là Kế hoạch hòa bình Trung Đông mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới tiết lộ; tác động của Brexit đối với chiến lược mới của Liên hiệp châu Âu (EU), nỗ lực của châu Âu giảm lệ thuộc Mỹ về an ninh; bế tắc trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; kiềm chế căng thẳng Mỹ - Iran; sự “trỗi dậy” của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông...

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia, mối quan tâm lớn cũng là nỗi lo về an ninh toàn cầu vẫn là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Nga ngày càng gay gắt trong vấn đề hợp tác kiểm soát vũ khí chiến lược, hạn chế vũ khí hạt nhân. Cơ chế toàn cầu kiểm soát vũ khí tiến công suy yếu sau một loạt động thái rút cam kết, khiến Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đổ vỡ. Trong khi đó, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) giữa Mỹ và Nga hết hiệu lực vào ngày 5-2-2021.

Hiện START là hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược lớn cuối cùng giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, song cũng đứng trước nguy cơ “chung số phận” khi hết hạn. Tuy vậy, không chỉ chưa “chốt” gia hạn START, mà đúng dịp một năm trước hạn chót, Mỹ lại có những bước đi gây quan ngại. Hôm 5-2, Không quân Mỹ thông báo thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Trước đó một ngày, Hải quân Mỹ thông báo đã triển khai đầu đạn W76-2 của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm công suất thấp, dưới danh nghĩa “tăng cường răn đe chiến lược” nhằm ứng phó các mối đe dọa tiềm tàng... Tổng thống Donald Trump còn tuyên bố rằng, cho tới khi đạt được các hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga và Trung Quốc, điều duy nhất Mỹ làm là “tạo nên lực lượng hạt nhân hùng mạnh nhất thế giới”. Các bước đi này luôn được Mỹ viện lý do lo ngại về việc Nga vi phạm các cam kết và tăng cường vũ khí chiến lược.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố Nga luôn sẵn sàng cho “cuộc đối thoại có ý nghĩa” với Mỹ. Song đến nay, Mỹ chưa bắn tín hiệu gia hạn START. Mấu chốt bất đồng giữa hai bên là việc mở rộng các bên tham gia phiên bản mới của START, trong đó Mỹ đòi cả Trung Quốc cùng ký kết, còn Nga muốn kéo cả Pháp, Anh tham gia. Một vài cường quốc hạt nhân muốn có những sửa đổi, số khác lại thẳng thừng từ chối tham gia, khiến triển vọng gia hạn START càng thêm mờ mịt.

Ngay trước thềm Hội nghị An ninh quốc tế tại Munich, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov khẳng định Moscow sẵn sàng thảo luận gia hạn cơ chế kiểm soát vũ khí chiến lược, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương. Đây có thể xem như thông điệp tích cực trong chặng nước rút chưa đầy một năm nữa để Nga và Mỹ đưa ra quyết định về số phận của bản thỏa thuận quan trọng bậc nhất với an ninh toàn cầu.