Chặng đường mới nhiều thách thức

Ngày 14-11, cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao của liên minh quốc tế chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã diễn ra tại Thủ đô Washington D.C (Mỹ) nhằm tìm kiếm bước đi tiếp theo sau những diễn biến mới liên quan cuộc chiến này. Đây là cuộc họp đầu tiên của liên minh quốc tế sau chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS, song đã chứng kiến sự bất đồng sâu sắc giữa đại diện hơn 30 nước về vấn đề hồi hương các tay súng nước ngoài, đang bị giam giữ ở Syria và Iraq.

Biếm họa của EMAD HAJJAJ
Biếm họa của EMAD HAJJAJ

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã gây sức ép buộc các đồng minh châu Âu đưa ra nhiều cam kết hơn đối với hoạt động tài trợ cho các chương trình ổn định ở Syria, đồng thời hồi hương công dân của các nước này từng gia nhập hàng ngũ IS. Trước khi cuộc họp diễn ra, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo cho biết, khoảng 10.000 tù nhân IS cùng gia đình đang bị giam giữ tại các trại giam gần đông bắc Syria, đồng thời cảnh báo đây là “một quả bom hẹn giờ” khi phần lớn số tù nhân này là các tay súng nước ngoài. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đề cập mối lo ngại về sự đe dọa ngày càng lớn của IS ở bên ngoài Iraq và Syria, cho rằng liên minh cần phải tập trung vào hai khu vực Tây Phi và Sahel.

Phát biểu ý kiến tại buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc họp của liên minh chống IS, ông Nathan Sales, Điều phối viên về vấn đề chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã có bất đồng ý kiến về cách giải quyết tốt nhất vấn đề hồi hương các tay súng IS, đồng thời nhấn mạnh rằng, đề xuất của các nước châu Âu về việc thành lập một tòa án quốc tế để xét xử các tù binh IS sẽ tiêu tốn nhiều tiền của và có thể không hiệu quả bằng các tòa án tại những nước sở tại. Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ về Syria Jim Jeffrey hối thúc các nước nhận thức khẩn cấp về việc hồi hương các tù nhân IS, đồng thời cảnh báo tình hình tại Syria có thể tác động đến an ninh tại các trung tâm giam giữ chiến binh IS do lực lượng người Kurd kiểm soát.

Các tuyên bố nói trên của Bộ Ngoại giao Mỹ dường như muốn ám chỉ Pháp, nước đã đề xuất tổ chức cuộc họp của liên minh chống IS, đồng thời bắt đầu các cuộc thương lượng với Iraq về việc xét xử các tù binh Pháp ngay tại quốc gia Trung Đông này. Liên quan vấn đề hồi hương tù binh IS, không chỉ có Pháp bất đồng với quan điểm của Mỹ, mà Anh cũng không muốn hồi hương các phần tử có tư tưởng cực đoan. Các nước châu Âu lo ngại việc xét xử những công dân tham gia thánh chiến ngay tại “lục địa già” sẽ gây ra phản ứng tiêu cực trong xã hội, trong khi quá trình thu thập chứng cứ chống lại các phần tử trên rất khó khăn, chưa kể nguy cơ làm gia tăng hành động khủng bố ngay trên lãnh thổ châu Âu.

Dù gây áp lực lên các đồng minh châu Âu, nhưng để trấn an, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Pompeo cũng bảo đảm với các thành viên trong liên minh quốc tế chống IS rằng Washington sẽ tiếp tục đảm đương vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống khủng bố. Dù rút quân nhưng Mỹ vẫn giữ một lực lượng ở Syria nhằm duy trì khả năng thực hiện những cuộc không kích và bảo vệ các mỏ dầu mà Mỹ chiếm lại từ IS.

Cuộc họp của liên minh quốc tế chống IS diễn ra trong bối cảnh thủ lĩnh của tổ chức này là Abu Bakr al-Baghdadi vừa bị tiêu diệt. Tuy nhiên, không phải vì thế mà IS đã suy yếu hoàn toàn. Tờ The New York Times cho biết, IS đang tự điều chỉnh và nhanh chóng thích nghi hoàn cảnh mới. Không còn khả năng chiếm và giữ lãnh thổ, thay vào đó, các tay súng IS đang quay trở về nước, thực hiện các cuộc đánh bom và ám sát. IS giờ đã mở rộng phạm vi hoạt động với 14 nhánh ở các quốc gia trên khắp châu Á và châu Phi. Và dù chỉ còn là cái bóng của chính mình trước đây, nhưng ước tính tổ chức này vẫn có từ 14.000 đến 18.000 tay súng ở Iraq và Syria, trong đó có tới 3.000 người nước ngoài.

Như vậy, IS vẫn còn là một mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu. Trong bối cảnh đó, những chia rẽ hiện nay trong liên minh quốc tế chống IS sẽ cản trở những nỗ lực chống khủng bố chung. Nếu không sớm gạt bỏ những bất đồng thì chặng đường chống khủng bố mới được dự báo sẽ còn rất nhiều thách thức ở phía trước.