Chặng cuối chông gai

Các quan chức của Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) chuẩn bị tiến hành vòng đàm phán chính thức thứ 8 về quan hệ song phương giai đoạn hậu Brexit (Anh rời EU). Tuy nhiên, dù tiến trình đàm phán đã bước vào chặng cuối, giữa hai bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng, trở ngại.

Biếm họa của PAOLO CALLERI
Biếm họa của PAOLO CALLERI

Anh rời EU từ tháng 1-2020 sau cuộc “ly hôn” lịch sử đặt dấu chấm hết cho gần 50 năm quốc gia này gia nhập “mái nhà chung”. Nhiệm vụ của hai bên từ giờ đến cuối năm nay là đàm phán để đạt được một thỏa thuận về mối quan hệ mới sau Brexit, trọng tâm là quan hệ thương mại song phương. Giới chức châu Âu cho biết, hai bên cần đạt thỏa thuận trước tháng 10. Tuy nhiên, trong chặng cuối cùng của đàm phán hậu Brexit, hiện giữa hai bên vẫn tồn tại nhiều trở ngại lớn.

Trước khi bước vào vòng đàm phán chính thức trong tuần này, các trưởng đoàn đàm phán của hai bên đã gặp nhau tại Thủ đô London (Anh). Ngay sau cuộc gặp này, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết, hai bên vẫn tồn tại những khó khăn lớn trên con đường thúc đẩy đạt tiến triển trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng. Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost vừa tiết lộ với báo giới rằng, trong các cuộc thảo luận không chính thức về Brexit tuần trước, ông và người đồng cấp EU Michel Barnier đã có sự rà soát hữu ích về toàn bộ chương trình nghị sự trước các cuộc đàm phán giữa hai bên. Song, giữa Anh và EU vẫn còn những bất đồng lớn, trong đó lập trường của EU về viện trợ nhà nước và ngư trường là một trở ngại đối với việc đạt tiến triển tổng thể. 

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier bày tỏ lo ngại và thất vọng sau khi phía Anh không có bất cứ nhượng bộ nào để khai thông bế tắc trong các cuộc đàm phán không chính thức. Ở các vòng đàm phán lần trước, hai bên cũng không ngừng đổ lỗi cho nhau về thất bại trong đàm phán. Trưởng đoàn đàm phán của EU cho rằng, London vẫn từ chối những điều kiện về “cạnh tranh mở và công bằng” và từ chối đề xuất về một thỏa thuận “cân đối” trong lĩnh vực đánh bắt cá, khiến khả năng hai bên tiến tới thỏa thuận là gần như không thể. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của Anh mô tả những đề xuất của EU không đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Anh về việc được đối xử như một quốc gia độc lập.

Giới phân tích nhận định rằng, các vấn đề nêu trên sẽ vẫn là trở ngại lớn mà Anh và EU khó có thể vượt qua trong vòng đàm phán mới. Trong khi đó, ông Barnier nhấn mạnh, sẽ không có thỏa thuận thương mại nào hậu Brexit nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về vấn đề ngư trường. Quan chức EU cũng cảnh báo, Anh không nên sử dụng vấn đề này như một “quân bài mặc cả” trong các cuộc đàm phán đang ngưng trệ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Charles Michel, trong tuyên bố hôm 4-9, đã tỏ ý hoài nghi về khả năng London và EU có thể đạt được một thỏa thuận về mối quan hệ mới sau Brexit. Ông hối thúc London thể hiện quan điểm rõ ràng để tháo gỡ bế tắc trong đàm phán.

Hiện tại, các động thái từ phía Anh cho thấy London sẽ không nhượng bộ trong đàm phán và sẵn sàng chấp nhận mọi kết quả đàm phán hậu Brexit. Phát biểu ý  kiến với báo giới, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, Anh sẵn sàng đối mặt với mọi kết quả đàm phán với EU về mối quan hệ giữa hai bên hậu Brexit. Ông đồng thời bày tỏ tin tưởng nước Anh sẽ vượt qua, đồng thời nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là các đối tác của Anh hiểu được rằng “London sẽ làm việc cần làm”. 

Cuộc đàm phán mới trong tuần này có ý nghĩa quan trọng với cả Anh và EU, bởi nó hướng tới ký kết một thỏa thuận đối tác mới giữa hai bên từ năm 2021 trong một loạt lĩnh vực, từ thương mại và an ninh đến hợp tác trong vấn đề hạt nhân, vận tải và hàng không. Tuy nhiên, với việc hai bên cùng chưa chịu “xuống thang” trong đàm phán như trên, họ rất khó tìm được tiếng nói chung để giải quyết bất đồng. Nếu không đạt thỏa thuận, quan hệ thương mại Anh - EU sẽ chỉ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thiết lập. Theo đó, các mức thuế quan sẽ cao hơn và điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng rất xấu tới hoạt động thương mại và đầu tư ở hai bờ eo biển Manche.