Cải tổ để hồi sinh

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khai mạc ngày 21-11 vừa qua nhằm bàn cách cải tổ toàn diện bộ máy hoạt động, sau nhận định của Tổng thống Pháp E.Macron rằng khối liên minh quân sự này đang “chết não”.

Biếm họa của AREND VAN DAM
Biếm họa của AREND VAN DAM

Các Bộ trưởng Ngoại giao NATO nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao kỷ niệm 70 năm ngày thành lập khối quân sự này, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tới, giữa lúc NATO đang đối mặt nhiều hoài nghi về uy tín cũng như vai trò của liên minh này trong tình hình mới. Trước đó, tương lai của NATO đang đối mặt thách thức lớn do những bất đồng nội bộ và sự thay đổi của bối cảnh địa chiến lược toàn cầu, khiến Tổng thống Pháp E.Macron phải thốt lên chua chát rằng “chúng ta đang chứng kiến cái chết não của NATO”.

Với các thành viên trong khối, tuyên bố của ông Macron không nhận được sự tán thưởng, thậm chí còn gây hoài nghi. Thủ tướng Đức A.Merkel cho rằng người đứng đầu nước Pháp đã “chọn những từ ngữ quá đáng” và không phản ánh quan điểm của Đức về NATO. Các Tổng thống Ba Lan và Litva cũng bác bỏ nhận định của Tổng thống Pháp, song theo đánh giá của giới quan sát, thật khó để phủ nhận rằng liên minh quân sự lớn nhất thế giới này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng do bất đồng nội bộ.

Chia rẽ gần đây nhất trong NATO chính là những động thái liên quan tình hình Syria. Phát biểu ý kiến tại một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Macron cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria, hay những động thái của Mỹ rút một phần lực lượng mà không qua tham vấn với các thành viên NATO cho thấy tình trạng thiếu tư duy chiến lược tại NATO. Trên thực tế, sự thất vọng của ông Macron về hiện trạng của liên minh không chỉ xuất phát từ vụ việc trên, mà lâu nay bộ máy hoạt động của NATO đã tồn tại nhiều vấn đề.

“Guồng máy quân sự” hùng hậu của NATO, với 29 thành viên, đang bị đặt trước nguy cơ phân rã sâu sắc với thành viên quan trọng là Mỹ. Washington đang ngày càng thể hiện rõ sự “lệch pha” với những thành viên còn lại. Cách đây hai năm, trong một hội nghị cấp cao NATO, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa các nước châu Âu là nếu các nước này không tăng ngân sách quốc phòng và chia sẻ gánh nặng tài chính với Mỹ thì Mỹ sẽ rút dần các cam kết với NATO.

Chưa hết, Mỹ cũng đang dần thay đổi thái độ đối với châu Âu. Theo giới phân tích, trong tầm nhìn dài hạn của các nhà lãnh đạo Mỹ, châu Á là nơi hướng sự chú ý, do đó châu Âu dần giảm tầm quan trọng. Washington gia tăng chỉ trích và gây sức ép đối với các đối tác châu Âu trên hàng loạt vấn đề, từ chia sẻ gánh nặng tài chính tới năng lực chiến đấu của binh sĩ. Mỹ cũng phê phán đồng minh dựng hàng rào bảo hộ thị trường công nghiệp quốc phòng, trợ cấp cho các tập đoàn vũ khí nội địa.

Trước thái độ lạnh nhạt của đồng minh bên kia Đại Tây Dương, châu Âu cũng không chấp nhận khoanh tay đứng nhìn. Nhiều nước châu Âu, dưới sự khuyến khích của Ủy ban châu Âu (EC) và một số quốc gia tiên phong, nhất là Pháp và Đức, đã và đang thúc đẩy ý tưởng xây dựng sức mạnh quốc phòng riêng cho “lục địa già”, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ.

Bên cạnh đó, sự gắn kết của liên minh quân sự này đang đứng trước thử thách. Đơn cử như cuộc tiến công đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd, một đồng minh quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria gần đây, hay quyết định của Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, một đối thủ lớn của NATO…

Tháng 12 tới, NATO kỷ niệm 70 năm thành lập khối đồng minh quân sự lớn nhất thế giới này, nhưng những diễn biến trong năm qua cho thấy NATO sẽ không có một “sinh nhật” vui vẻ. Trước tình hình đó, Pháp và Đức đã đưa ra một số đề xuất về cải tổ khối, song lại vấp phải những ý kiến chưa hài lòng ngay trong nội bộ. Vì thế, cải tổ làm sao để tổ chức này có thể hồi sinh sau cái “chết não” phần lớn phụ thuộc sự đồng thuận và gắn kết của tổ chức quân sự này.