Bước tiến chậm sau nửa thập kỷ

Tại hội nghị cấp cao nhân dịp kỷ niệm 5 năm ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) mang tính bước ngoặt, các nhà lãnh đạo trên thế giới dự kiến công bố những kế hoạch mới đầy tham vọng nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên của Trái đất. Tuy nhiên, trong suốt nửa thập kỷ qua, thực tế cho thấy kết quả của các kế hoạch chống BĐKH còn khá thấp, trong khi việc đưa ra những hành động cụ thể nhằm bảo vệ “hành tinh xanh” đang rất cấp bách.

Biếm họa của ANTONIO RODRÍGUEZ
Biếm họa của ANTONIO RODRÍGUEZ

Hội nghị cấp cao Climate Ambition (tạm dịch là “Tham vọng về khí hậu”) do LHQ, Anh và Pháp đồng tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 70 nhà lãnh đạo thế giới, được tiến hành giữa lúc LHQ cảnh báo những cam kết hiện nay của các chính phủ về chống BĐKH là chưa đủ mạnh để có thể ứng phó sự gia tăng nền nhiệt toàn cầu. 

Theo AP, ngày 12-12 vừa qua đánh dấu tròn 5 năm Hiệp định Paris về chống BĐKH được lãnh đạo 195 quốc gia và vùng lãnh thổ ký kết nhằm hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2°C vào cuối thế kỷ 21 so thời tiền cách mạng công nghiệp và cố gắng giới hạn mức tăng này ở 1,5°C. Loài người đã và đang chứng kiến những tác động ngày càng rõ ràng và nghiêm trọng của tình trạng BĐKH, từ cháy rừng lan rộng ở Australia, Mỹ… đến việc các thềm băng ở hai cực Trái đất tan chảy ngày càng nhanh. Điều này đã buộc lãnh đạo nhiều nước phải lắng nghe các ý kiến từ giới khoa học và điều chỉnh chính sách phát triển xanh và sạch. Tuy nhiên đến nay, hành động của các quốc gia là chưa đủ, khi thời tiết ngày càng diễn biến thất thường và tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến thế giới dường như quên mất mục tiêu cấp bách về chống BĐKH.

Trải qua nửa thập kỷ, Hiệp định Paris về chống BĐKH hầu như “giậm chân tại chỗ”, những nỗ lực “điều hòa” Trái đất càng khó khăn hơn sau khi Mỹ - quốc gia chiếm tỷ lệ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cao thứ hai thế giới (18%, chỉ sau Trung Quốc) đã rút khỏi thỏa thuận. Nền nhiệt Trái đất đã ấm lên trung bình 1°C, các đợt nắng nóng gây hạn hán và các cơn bão nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn, với mức độ ngày càng khốc liệt, trong khi các chính phủ vẫn dè dặt các chính sách về khí hậu.

Mới đây, giới chuyên gia LHQ cảnh báo rằng, ngay cả khi các nước thực hiện những cam kết cắt giảm lượng khí thải đã đưa ra, Trái đất vẫn đang trên đà “gia tăng nhiệt độ ở mức thảm khốc” 3°C trong thế kỷ này. LHQ nhấn mạnh, tình trạng này sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng thậm chí còn nghiêm trọng hơn đại dịch Covid-19.

Hội nghị cấp cao Climate Ambition được xem là sự kiện khởi động cho Hội nghị các bên tham gia Công ước Khí hậu lần thứ 26 (COP 26) của LHQ ở Anh vào tháng 11-2021. Theo cơ chế của Hiệp định Paris về chống BĐKH năm 2015, các nước tham gia sẽ phải đệ trình những kế hoạch cắt giảm khí thải mới. Hiện, hơn 110 nước đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới là Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua tuyên bố đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) cam kết mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính 55% so mức năm 1990. Anh là một trong những nước đưa ra cam kết rõ ràng nhất, khi khẳng định sẽ ngừng sự hỗ trợ của chính phủ đối với các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Anh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính 68% so mức của năm 1990, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.

Báo cáo mang tên “Khoảng cách phát thải” của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho rằng, sự “phục hồi xanh” sau đại dịch Covid-19, trong đó các nước đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0”, có thể giúp cắt giảm 25% lượng khí thải vào năm 2030. Điều này có thể giúp thế giới tiến gần hơn đến mục tiêu dài hạn nhằm kiềm chế nhiệt độ Trái đất tăng 2°C theo như Hiệp định Paris về chống BĐKH. UNEP cho rằng, thế giới cần phải chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, hỗ trợ trực tiếp công nghệ và cơ sở hạ tầng không phát thải, đồng thời giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, không xây dựng các nhà máy điện than đá mới và tái trồng rừng ở quy mô lớn.