Bước leo thang nguy hiểm

Xung đột nghiêm trọng giữa lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được LHQ công nhận đã tái diễn sau nhiều tuần im ắng, bất chấp cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Libya.

Biếm họa của EMAD HAJJAJ
Biếm họa của EMAD HAJJAJ

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây bày tỏ quan ngại về tình hình chiến sự ở Libya, trong đó có vụ nã đạn pháo mới đây ở Thủ đô Tripoli, trong khi đã có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy dịch Covid-19 đã xuất hiện tại nước này. Tại buổi họp báo trực tuyến ngày 13-4, phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ, ông Farhan Haq nêu rõ, LHQ quan ngại về giao tranh ở Libya, dù xuất phát từ bất cứ bên nào, đồng thời nhắc lại rằng LHQ đã kêu gọi các bên ngừng bắn. Ông cũng nhấn mạnh: “Rất rõ ràng là hiện nay có những dấu hiệu đầu tiên dịch Covid-19 đã xuất hiện ở Libya, các bên xung đột cần phải ngừng ngay các cuộc tiến công quân sự, hợp tác với nhau nhằm tạo điều kiện để LHQ hỗ trợ ứng phó đại dịch trước khi tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát”.

Cùng ngày, các lực lượng trung thành với GNA tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát thêm bốn thành phố từ lực lượng miền đông LNA do tướng Khalifa Hafta chỉ huy. Trước đó, GNA cũng đã giành lại hai thành phố chiến lược ở phía tây Thủ đô Tripoli là Sorman và Sabratha, vốn bị LNA chiếm đóng từ tháng 4-2019. Từ ngày 27-3 vừa qua, tình trạng xung đột nghiêm trọng giữa LNA và GNA đã tái diễn, đang phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn được ký kết giữa các bên ngày 13-1 vừa qua.

Phó phát ngôn viên Haq cho biết, báo cáo của phái bộ LHQ tại Libya chỉ ra rằng tình trạng thù địch tại miền tây nước này vẫn tiếp diễn, gây thương vong thường dân cũng như buộc họ phải rời bỏ chỗ ở. Ông cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù Tổng Thư ký LHQ Guterres đã kêu gọi đình chiến tại các nước đang diễn ra xung đột để chống đại dịch Covid-19, nhưng trong vài tuần qua vẫn có tới 3.700 người phải rời bỏ nhà cửa ở quận Abusliem tại Thủ đô Tripoli để tránh các cuộc giao tranh. Thêm vào đó, hơn hai triệu người, gồm 600.000 trẻ em hiện sống ở Tripoli và các tỉnh, thành phố lân cận đang phải sống trong cảnh thiếu nước suốt nhiều ngày qua. LHQ khẳng định một lần nữa rằng, các bên tham chiến không bao giờ được dùng việc kiểm soát nguồn nước để gây sức ép hay coi đó là vũ khí chiến tranh, nhất là trong bối cảnh Libya đang cũng phải đối mặt nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011, Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Hiện, ở quốc gia Bắc Phi này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền đông, trong khi GNA được quốc tế công nhận, hoạt động ở miền tây và Thủ đô Tripoli. Đến nay, giao tranh ác liệt giữa các bên đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ viện trợ nhân đạo.

Trong bối cảnh đó, thỏa thuận ngừng bắn ngày 13-1 được đưa ra sau lời kêu gọi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mở ra hy vọng về giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi này. Đến ngày 12-2, HĐBA LHQ đã bỏ phiếu thông qua một dự thảo nghị quyết do Anh đề xuất liên quan việc ngừng bắn tại Libya. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nghị quyết này đạt được là do có sự tác động từ những quốc gia bên ngoài, mà không xuất phát từ ý chí và hành động của các bên liên quan trực tiếp cuộc xung đột. Theo giới quan sát, thúc đẩy ngừng bắn là cần thiết, song nếu áp đặt ngừng bắn mà chưa nhận được đồng thuận từ GNA và LNA thì lại trở nên bất cập. Việc Nga bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết này cho thấy Moscow chưa rõ ràng về mức độ sẵn sàng của tất cả các bên xung đột trong việc thực hiện các nghị quyết của HĐBA.

Sự chồng lấn của thỏa thuận ngừng bắn giữa GNA và LNA ngày 13-1 và nghị quyết kêu gọi ngừng bắn của HĐBA ngày 12-2 vô hình trung đã tạo ra mâu thuẫn trong việc tìm kiếm cánh cửa hòa bình cho Libya. Dù vậy, cộng đồng quốc tế vẫn đang cho thấy sự nỗ lực trong việc chấm dứt cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi nhằm ngăn chặn những bước leo thang quân sự nguy hiểm.