Bước khởi đầu mới?

Ngày 9-7, Bộ Ngoại giao Qatar thông báo cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan được tổ chức mới đây tại Doha diễn ra thành công tốt đẹp. Lực lượng Taliban đã chấp nhận một số điều khoản nhằm lập lại hòa bình. Tuy nhiên, liệu đây có phải là bước khởi đầu mới để tiến tới chấm dứt xung đột ở quốc gia Nam Á hay không thì vẫn còn cần thêm thời gian để trả lời, bởi thực tế cho thấy, một khi những yêu sách chưa được đáp ứng đầy đủ thì Taliban vẫn chưa nhượng bộ Chính phủ Afghanistan.

Các đại diện của Taliban tham gia cuộc đàm phán nội bộ tại Doha. Ảnh: VOA
Các đại diện của Taliban tham gia cuộc đàm phán nội bộ tại Doha. Ảnh: VOA

Trong thông báo công bố ngày 9-7, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Qatar về hòa giải xung đột, ông Mutlaq Qahtan cho biết, phía Qatar rất hài lòng khi các bên tham gia đàm phán của Afghanistan đạt được tuyên bố chung và coi đây là bước đi đầu tiên hướng đến hòa bình. Trước đó, ngày 8-7, đại diện các tổ chức chính trị có ảnh hưởng tại Afghanistan và lực lượng Taliban đã kết thúc hội nghị trong các ngày 7 và 8-7 tại Doha. Các bên ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân Afghanistan.

Hội nghị giữa các tổ chức chính trị có ảnh hưởng tại Afghanistan và đại diện Taliban ở Doha diễn ra dưới sự bảo trợ của Qatar và Đức. Một số quan chức Chính phủ Afghanistan tham dự với tư cách cá nhân. Đây là hội nghị “nội bộ” Afghanistan lần thứ ba sau các hội nghị lịch sử diễn ra tại Moscow (Nga) hồi tháng 2 và tháng 5 vừa qua. Tuyên bố chung tại Hội nghị Doha nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm mạng sống và tài sản của người dân Afghanistan. Theo đó, các bên sẽ phóng thích vô điều kiện các tù nhân già yếu và bị thương, bảo đảm an ninh cho các tổ chức xã hội, các tổ chức tôn giáo, bệnh viện, cơ sở giáo dục, khu vực họp chợ, nơi chứa nước, những địa điểm làm việc trên khắp cả nước. Ngoài ra, các bên tham gia đàm phán cũng “nhận trách nhiệm bảo vệ cuộc sống, tài sản, nhân phẩm, nhà cửa và tự do của người dân”, đồng thời nhất trí nỗ lực không gây thương vong cho dân thường.

Đáng chú ý là hội nghị ở Qatar diễn ra ngay sau khi Mỹ và Taliban kết thúc một tuần đàm phán trực tiếp nhằm tìm kiếm thỏa thuận để Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đổi lại Taliban cam kết không để khủng bố biến quốc gia này thành địa bàn hoạt động. Đặc phái viên của Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad đã đánh giá cao vòng đàm phán thứ bảy giữa nước này với lực lượng Taliban, coi đây là vòng đàm phán hiệu quả nhất từ trước tới nay.

Afghanistan hiện trong tình trạng bất ổn do các cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh chính phủ và các tay súng Taliban. Theo số liệu của LHQ, kể từ tháng 1-2009 đã có hơn 26.500 dân thường ở Afghanistan thiệt mạng và gần 50.000 người bị thương do xung đột vũ trang. Các nỗ lực hòa đàm giữa chính quyền Kabul và Taliban cho đến nay chưa tiến triển.

Thậm chí trong thời gian diễn ra Hội nghị Doha, Taliban đã tiến công một số chốt an ninh khu vực bên ngoài Pul-e-Khumri, thủ phủ tỉnh Baghlan, khiến bốn cảnh sát đã thiệt mạng và tám người khác bị thương. Cùng lúc, Taliban lại có động thái “ngược chiều” khi trả tự do 40 nhân viên an ninh tại tỉnh Jawzjan, miền bắc Afghanistan. Trước đó, nhóm Hồi giáo cực đoan này cũng đã thả 42 nhân viên an ninh, một tuần sau khi chiếm đóng huyện Qush Tepa và bắt giữ 90 nhân viên an ninh đồn trú tại đây.

Giới quan sát nhận định rằng, các hành động vừa tiến công vừa hòa giải của Taliban trong lúc Hội nghị Doha diễn ra là “liều thuốc thử” cho ý chí hòa giải dân tộc của Chính phủ Afghanistan. Nếu hội nghị đổ vỡ, Taliban vẫn giữ nguyên thế trỗi dậy vốn đang gây sức ép lớn cho chính quyền nước này. Ngược lại, nếu hội nghị vẫn tiếp tục diễn ra và đạt kết quả tốt, Taliban càng củng cố vai trò của mình trên bàn đàm phán, kể cả với Mỹ.

Dù vậy, trong bối cảnh Washington vẫn đang chần chừ trong việc đưa ra cam kết cụ thể về thời gian rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan - điều kiện tiên quyết mà Taliban đưa ra trong các cuộc hòa đàm với Chính phủ Afghanistan, chưa có gì bảo đảm lực lượng Hồi giáo cực đoan này tuân thủ tuyên bố chung của Hội nghị Doha. Chỉ khi các bên liên quan cuộc xung đột tại quốc gia Nam Á này thật sự mong muốn bắt tay hòa giải, cũng như việc Mỹ chấp nhận rút chân khỏi “vũng lầy” và nhường lại quyền bảo an cho chính quyền Kabul, thì lúc đó cánh cửa hòa bình mới thật sự mở ra cho Afghanistan sau nhiều năm chìm đắm trong xung đột.