Bước đi chiến lược

Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng, chuyến thăm Trung Đông của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là nhắm tới “mục tiêu kép”. Bước đi chiến lược của Tokyo vừa nhằm bảo đảm các lợi ích quốc gia, nhất là trong vấn đề năng lượng, vừa thể hiện vai trò hòa giải quốc tế trong tư cách “nhân tố mới”.

Nguồn: TRIBUNE
Nguồn: TRIBUNE

Chuyến thăm năm ngày của Thủ tướng S.Abe tới Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman đã được lên kế hoạch từ trước, song lại trúng thời điểm tình hình khu vực Trung Đông căng như dây đàn. Ngoài mục tiêu thúc đẩy quan hệ với các đối tác khu vực và bảo đảm những lợi ích quốc gia tại địa bàn chiến lược của Nhật Bản, chuyến công du Trung Đông của Thủ tướng S.Abe còn cho thấy nỗ lực của Tokyo làm trung gian hòa giải, giúp “hạ nhiệt” sức nóng trong cuộc đối đầu giữa Iran và Mỹ.

Cả ba chặng dừng chân trong chuyến thăm của lãnh đạo Nhật Bản đều là những quốc gia có vai trò quan trọng và ảnh hưởng lớn đối với sự ổn định ở Trung Đông. Trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng S.Abe tuyên bố, trên nền tảng mối quan hệ hòa hữu và hợp tác cùng có lợi, Nhật Bản sẽ cùng ba quốc gia Trung Đông thúc đẩy ổn định của khu vực, thông qua đối thoại và các biện pháp chính trị, ngoại giao. Ngay trong chặng dừng chân đầu tiên ở Saudi Arabia, Thủ tướng S.Abe cùng Thái tử Mohammed Bin Salman của nước chủ nhà đã nhất trí tăng cường nỗ lực chung nhằm giảm bớt căng thẳng và bình ổn tình hình Trung Đông.

Là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới, Nhật Bản phụ thuộc nhiều (khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu) vào nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông; và là nhà nhập khẩu dầu hàng đầu của Iran. Bởi vậy, Trung Đông bất ổn, an ninh hàng hải ở khu vực không được bảo đảm có thể đẩy Nhật Bản rơi vào “khủng hoảng năng lượng”. Nhằm tránh những diễn biến xấu đe dọa an ninh năng lượng quốc gia, thời gian qua, Tokyo thúc đẩy vai trò trung gian giúp hòa giải Mỹ và Iran, đóng góp giảm căng thẳng tại Trung Đông. Khi căng thẳng giữa hai đối thủ này lên đỉnh điểm vừa qua, mục tiêu giữ ổn định nguồn cung năng lượng càng trở nên cấp thiết với Tokyo, thúc đẩy Thủ tướng S.Abe tìm kiếm hợp tác với các nước có ảnh hưởng lớn trong khu vực.

Trong bối cảnh bất kỳ diễn biến xung đột nào ở Trung Đông, hay liên quan Iran, đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng mục tiêu năng lượng chiến lược của Nhật Bản, Tokyo cũng tham gia các nỗ lực bảo đảm an ninh cho tuyến hàng hải huyết mạch ở Trung Đông. Thủ tướng S.Abe tới khu vực chỉ vài ngày sau khi Nhật Bản triển khai một tàu khu trục và hai máy bay tuần tra thuộc Lực lượng phòng vệ (SDF) tới Trung Đông, cho thấy rõ mục đích chuyến công du là tìm kiếm sự ủng hộ đối với sứ mệnh hàng hải mới của Tokyo, nhằm bảo đảm an toàn cho cả các hoạt động thương mại, lẫn những tàu chở dầu tới Nhật Bản. Thủ tướng S.Abe trực tiếp giải thích với các đối tác về kế hoạch của Tokyo, khẳng định sứ mệnh của SDF tại Trung Đông hoàn toàn độc lập với lực lượng đa quốc gia mà Mỹ vận động các nước tham gia tuần tra tại eo biển Hormuz, điều mà Iran phản đối mạnh mẽ.

Sau chuyến thăm Nhật Bản cuối năm ngoái của lãnh đạo Iran, Tokyo được kỳ vọng trở thành “nhân tố mới” trong các nỗ lực hòa giải ở Trung Đông, nhất là giữa Mỹ và Iran. Các lãnh đạo Nhật Bản và Iran đã nhất trí về tầm quan trọng của bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử và an ninh hàng hải ở Trung Đông. Bước tiếp theo là nỗ lực dàn xếp hài hòa các mối quan hệ trong khu vực, mà trước mắt là giảm bớt căng thẳng.