Bước đi cần thiết

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland mới đây công bố các biện pháp có giới hạn để giải quyết vấn đề bạo lực do súng đạn. Các biện pháp nói trên là một phần trong những nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm siết chặt kiểm soát súng đạn, sau hàng loạt vụ xả súng diễn ra mới đây. 

Biếm họa của AMORIM
Biếm họa của AMORIM

Trong một thông cáo, Nhà trắng mô tả biện pháp giới hạn nói trên là bước đi đầu tiên nhằm hạn chế số lượng các vụ xả súng, tự sát và gây đổ máu trong cộng đồng. Tổng thống Biden cho biết, ông cũng sẽ yêu cầu Cục Rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF) công bố báo cáo thường niên về việc buôn bán súng ở Mỹ và hỗ trợ các bang thông qua “luật cờ đỏ” để kiểm soát lý lịch người mua súng.

Phát biểu ý kiến tại Nhà trắng, Tổng thống Biden nêu rõ: “Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp nhằm không chỉ đối phó cuộc khủng hoảng súng đạn, mà thật sự còn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”, đồng thời đề cập vụ xả súng hàng loạt tại bang Nam Carolina hồi tuần trước, khiến năm người chết, trong đó có hai trẻ em.

Các biện pháp nói trên được đưa ra trong bối cảnh bạo lực súng đạn có chiều hướng gia tăng tại Mỹ trong một thập kỷ qua, với nhiều vụ xả súng khiến nhiều người thiệt mạng. Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm tại Mỹ có gần 40.000 người tử vong do súng đạn, trong đó nhiều trường hợp là nạn nhân của các vụ xả súng hàng loạt.

Trước đó, ngày 11-3, để giải quyết bạo lực do súng đạn, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua hai dự luật nhằm siết chặt kiểm soát súng đạn, một trong những vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua tại quốc gia này. Dự luật đầu tiên sẽ bịt lỗ hổng tồn tại nhiều năm nay trong luật kiểm soát súng thông qua việc mở rộng kiểm tra lý lịch đối với những người mua vũ khí qua internet, tại các buổi triển lãm súng và thông qua một số giao dịch riêng nhất định. Dự luật thứ hai sẽ cho phép các nhà chức trách có 10 ngày làm việc để hoàn thành việc kiểm tra lý lịch liên bang trước khi cấp phép cho hoạt động bán súng.

Tổng thống Joe Biden là một thành viên của đảng Dân chủ, lâu nay vẫn giữ quan điểm hạn chế súng đạn. Ông đang đẩy mạnh hành động sau các vụ xả súng hàng loạt xảy ra gần đây tại nhiều bang của Mỹ. Ngoài vụ xả súng ở bang Nam Carolina, đã xảy ra nhiều vụ việc tương tự tại các bang California, Colorado và Georgia. Ngày 31-3, bốn người (trong đó có một trẻ em 9 tuổi) đã thiệt mạng trong vụ xả súng tại TP Orange, bang California và 10 người khác thiệt mạng trong một vụ khác tại siêu thị ở thành phố Boulder, bang Colorado. Trước đó, ngày 16-3, tám người thiệt mạng trong vụ xả súng tại các tiệm spa ở TP Atlanta, bang Georgia, trong đó sáu nạn nhân là phụ nữ gốc Á. 

Lâu nay, nhiều nghị sĩ Quốc hội và ứng cử viên Tổng thống, phần lớn thuộc đảng Dân chủ, lên tiếng yêu cầu phải có những quy định kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn. Thế nhưng, điều này không hề đơn giản do vấp phải nhiều rào cản. Ở cấp độ liên bang, đã có nhiều dự thảo luật mới siết chặt quản lý súng được đề xuất, nhưng cuộc tranh luận chung quanh vấn đề này vẫn chưa có hồi kết do quyền sở hữu súng đã được quy định trong Hiến pháp, cùng sự vận động hành lang của các hiệp hội sản xuất vũ khí của Mỹ. Nhiều bang tại nước này đã ban hành các quy định kiểm soát súng đạn bổ sung, như nâng độ tuổi hay bắt buộc kiểm tra nhân thân và tình trạng sức khỏe tâm thần của người sở hữu súng. Tuy nhiên, thực trạng thiếu nhất quán giữa các bang đã và đang tạo ra những lỗ hổng khiến vấn đề kiểm soát súng đạn chưa hiệu quả.

Giới quan sát cho rằng, các biện pháp có giới hạn trong việc kiểm soát súng đạn mà Tổng thống Joe Biden công bố vẫn chưa đáp ứng được tất cả cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông. Dù vậy, Nhà trắng lưu ý rằng, Tổng thống Biden sẽ tiếp tục thúc đẩy Quốc hội triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn. Điều này là bước đi cần thiết nhằm tạo ra những hành lang pháp lý vững chắc trong thời gian tới trong quản lý mua, bán súng đạn, từ đó hạn chế những vụ việc đau lòng vẫn đang diễn ra liên tục ở “xứ cờ hoa”.