Bờ vực đổ vỡ

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký kết năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Tehran tiến hành một số động thái bị cáo buộc là vi phạm thỏa thuận. Trong khi đó, Mỹ vẫn không ngừng áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với quốc gia Hồi giáo này, khiến căng thẳng ngày càng gia tăng.

Biếm họa của DAVID G KLEIN
Biếm họa của DAVID G KLEIN

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 7-11 vừa qua cho biết, Iran đã bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow, chính thức nối lại hoạt động làm giàu urani. Theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran nhất trí đưa cơ sở Fordow thành một trung tâm hạt nhân, vật lý và công nghệ, còn 1.044 máy ly tâm tại đây sẽ được sử dụng vì các mục đích khác, không phải làm giàu urani. Động thái này của Iran bị cáo buộc đã vi phạm JCPOA.

Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi cho biết, với các máy ly tâm mới được lắp đặt nhằm thực hiện việc cắt giảm cam kết của Tehran đối với thỏa thuận hạt nhân, năng lực làm giàu urani của quốc gia Hồi giáo sẽ đạt mức như trước khi ký kết thỏa thuận. Phát biểu ý kiến trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Press TV, ông Kamalvandi cho hay: “Đã có tổng cộng 15 máy mới được lắp đặt”. Theo ông Kamalvandi, sự kiên nhẫn của Tehran “đang xói mòn” khi các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đã không tuân thủ những cam kết theo thỏa thuận này. Ông Kamalvandi khẳng định Iran có tất cả các quyền khôi phục việc làm giàu urani.

Theo JCPOA, các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ chịu giám sát liên tục từ IAEA. Tuy nhiên, quan hệ giữa Tehran và IAEA đã trở nên căng thẳng khi Tehran ngày 7-11 thông báo ngừng hợp tác với một nữ thanh sát viên hạt nhân của IAEA sau một sự cố mà bà gặp phải khi kiểm tra an ninh ở lối vào nhà máy làm giàu urani Natanz ở miền trung nước này. Theo AP, Iran đã thu giữ các tài liệu mà thanh sát viên này mang theo. Đây được xem là sự cố đầu tiên giữa Iran và phương Tây kể từ khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc được ký kết vào năm 2015.

Thỏa thuận trên đang không ngừng lung lay sau khi Mỹ tuyên bố rút lui và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran để buộc quốc gia này trở lại bàn đàm phán sửa đổi thỏa thuận. Trong khi đó, Iran khẳng định sẽ không nhượng bộ và dần điều chỉnh thu hẹp phạm vi tuân thủ thỏa thuận. Bất chấp nỗ lực duy trì JCPOA của châu Âu, bất đồng ngày càng gia tăng giữa Tehran và Washington đang đặt bản thỏa thuận này trước nguy cơ khó cứu vãn.

Phản ứng trước động thái của Iran tại cơ sở hạt nhân Fordow, Tổng thống Pháp E.Macron coi đây là dấu hiệu cho thấy ý định của Iran rời bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, đồng thời cảnh báo tất cả sẽ đối mặt hậu quả nếu thỏa thuận này sụp đổ. Trong khi dó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng bày tỏ lo ngại các diễn biến liên quan JCPOA, kêu gọi Iran thực hiện đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận. Ông Lavrov cũng cho rằng, bước đi của Iran là hậu quả của việc Mỹ rút khỏi văn kiện và tái áp đặt trừng phạt chống lại quốc gia Hồi giáo này: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát hành động của các bên, tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký. Chúng tôi kêu gọi Iran tuân thủ các điều khoản này, mặc dù chúng tôi nhận thức rõ tại sao Iran phải đưa ra những hành động như vậy”.

Reuters dẫn kết quả một số cuộc khảo sát được thực hiện tại Iran gần đây cho thấy, phần lớn người dân nước này khi được hỏi đều cho rằng nên rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, bởi Mỹ đang cố gắng gia tăng sức ép để hủy hoại nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, dư luận quốc tế cho rằng, Iran có thể giảm các cam kết theo thỏa thuận, nhưng sẽ là tốt hơn cho thế giới cũng như chính Iran nếu quốc gia này không từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận. Điều này không chỉ dựa vào quyết định của Iran mà còn phụ thuộc lập trường của Mỹ có mềm dịu hơn hay không, nhằm tránh cho bản thỏa thuận lịch sử khỏi bờ vực đổ vỡ.